Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

Thứ tư - 20/04/2022 05:20
Ngày 20/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI và bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì Hội thảo.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian qua, trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, Bộ TN&MT luôn lắng nghe ý kiến kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp và người dân để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

1(2).jpg
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai phát biểu tại Hội thảo

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định tháo gỡ vướng mắc như: Nghị định 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Cũng theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục tháo gỡ vướng mắc chính sách đất đai, Bộ TN&MT trên cơ sở các phản ánh của địa phương, doanh nghiệp và người dân đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và có Văn bản gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương; lấy ý kiến các tổ chức cá nhân.

“Tôi mong muốn qua Hội thảo ngày hôm nay sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý vào các vấn đề trong Dự thảo và các vướng mắc khác cần tháo gỡ để Ban soạn thảo tiếp thu hoàn thiện Dự thảo”, bà Mỹ chia sẻ.

2(1).jpg
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế Tổng cục Quản lý đất đai trình bày các nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung của Dự thảo Nghị định, trong đó, tập trung vào đấu giá đất, cấp Giấy chứng nhận căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại…

Ông Nguyễn Văn Đỉnh - Công ty Cổ phần Vinhomes, Tập đoàn Vingroup cho rằng: Nếu dự thảo quy định tổ chức phải nộp tiền đặt trước khi tham gia cuộc đấu giá lớn hơn 20% giá khởi điểm của lô đất sẽ hạn chế trường hợp trả giá cao rồi bỏ cọc. Tuy nhiên, pháp luật đất đai hiện chưa có quy định về đấu giá quyền sử dụng đất mà dẫn chiếu về pháp luật đấu giá tài sản.

Do đó, nếu quy định tiền đặt trước lớn 20% sẽ dẫn tới xung đột với Luật Đấu giá tài sản vì Điều 39 Luật này quy định tiền đặt trước tối thiều 5% và tối đa 20% giá khởi điểm tài sản đấu giá.

3(2).jpg
Quang cảnh hội thảo

Về vấn đề cấp Giấy chứng nhận bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đỉnh cho rằng, hiện nay, nhiều địa phương đã chấp thận cho chủ đầu tư thực hiện theo hình thức đất ở đô thị/nông thôn hoặc đất ở không hình thành đơn vị đất ở. Tuy nhiên, Luật Đất đai không có quy định về hình thức đất ở không hình thành đơn vị đất ở, cũng như không có quy định về chế độ sử dụng đất đối với các dự án xây dựng condotel, biệt thự biển dẫn tới rủi do pháp lý cho chủ đầu tư, ảnh hướng tới quyền lợi người mua… do đó, cần bổ sung thêm quy định chuyển tiếp về chế độ sử dụng đất đối với các trường hợp này.

Góp ý vào Dự thảo, ông Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) nhất trí với Dự thảo về chế tài xử lý khi người tham gia đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá và cho rằng, cần có cơ chế/chế tài để xử lý trong trường hợp người tham gia đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá mà theo quy định pháp luật, người tham gia đấu giá phải thực hiện.

Tuy nhiên, ông Huệ cho rằng, bản chất của biên bản là việc ghi nhận lại một sự việc thực tế đã xảy ra và trong một số trường hợp mà người có liên quan từ chối ký biên bản thì pháp luật vẫn có hướng để xử lý. Cụ thể tại  Khoản 3 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Theo Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây