Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân

Thứ tư - 08/03/2023 03:48
Hội nghị mong muốn tất cả các ý kiến đóng góp sẽ được Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, cân nhắc, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật một cách tốt nhất, góp phần đưa chính sách, pháp luật đất đai đi vào thực tiễn cuộc sống, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn lực đất đai, đưa đất đai thực sự trở thành động lực quan trọng góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.
df
Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của nông dân 

Chiều 7/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Tham dự Hội nghị có: đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương (TW) Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT; các đồng chí Thường trực Trung ương Hội, các đồng chí lãnh đạo đại diện HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Hội nghị diễn ra trực tiếp tại hội trường Hội Nông dân Việt Nam và trực tuyến khi kết nối 63 điểm cầu của tổ chức Hội Nông dân từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.

dầ
 Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật đất đai ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của nông dân nên cần thiết phải có ý kiến của đông đảo giai cấp nông dân, trong đó phải nhắc đến vai trò của Hội Nông dân các cấp. Bởi thế, Hội nghị lần này là hoạt động thiết thực huy động trí tuệ tâm huyết của cán bộ, hội viên nông dân các cấp đồng thời là dịp sinh hoạt chính trị sâu rộng của các cấp Hội trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai.

Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật rất quan trọng, có thể coi là đạo luật gốc, tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đời sống nhân dân. Về cơ bản, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo tính kế thừa Luật Đất đai 2013, thể chế hóa được các quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; cũng như các giải pháp liên quan đến đất đai để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW; khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và thực tiễn thi hành Luật đất đai năm 2013 trong thời gian qua.

èaf
 Điểm cầu chính tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ở Hà Nội 

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng thắng thắn chỉ rõ, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong những năm qua cũng cho thấy một bộ phận nông dân bị tác động ảnh hưởng rất lớn và thường chịu thiệt thòi do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng làm phát sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện; đồng thời một bộ phận nông dân sau khi bị thu hồi đất, không còn sinh kế trong khi các chính sách, quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến những hệ lụy cho xã hội (như thiếu việc làm, mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội...); đặc biệt là vẫn còn một bộ phận nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho biết, các ý kiến phát biểu trong Hội nghị hôm nay sẽ cung cấp thông tin, luận cứ, đưa ra những kiến nghị, đề xuất để Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa, góp phần hoàn thiện đưa chính sách, pháp luật đất đai thực sự đi vào đời sống xã hội sau khi ban hành, nhất là các vấn đề liên quan đến: (i) Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội Nông dân các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; (ii) Việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (iii) Về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; (iv) Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

df
 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo và định hướng tại Hội nghị .

Phát biểu chỉ đạo và định hướng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, đây là đợt sinh hoạt chính trị sôi nối để xin ý kiến của nhân dân về một vấn đề rất quan trọng của kinh tế - xã hội là đất đai. Qua theo dõi, Chính phủ thấy các cấp Hội Nông dân tổ chức lấy ý kiến rất bài bản, khoa học, thiết thực, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng.

Phó Thủ tướng cho rằng, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là một sản phẩm mang tính chất lý luận và thực tiễn, được đóng góp từ trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Hiện nay, các Bộ, ban, ngành đã lấy ý kiến riêng trong bộ, ban, ngành mình…. nhằm đưa ra đóng góp đại diện cho ý chí, mong muốn trong thể chế hóa chính sách đất đai. “Do đó, tại Hội nghị lần này, thay mặt cho Chính phủ, cá nhân tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp một cách kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến của nhiều nông dân với hơn 60% dân số hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế; tập trung vào đời sống của nhân dân ở nông thôn và quá trình chuyển đổi CNH, HĐH cũng chính là quá trình chuyển đổi nông thôn…” – Phó Thủ tướng nói.

adfa
 Đại diện các tổ chức Hội Nông dân các cấp, các chuyên gia nông nghiệp tham dự Hội nghị 

Theo Phó Thủ tướng, các nội dung chính sách liên quan đến người nông dân đã được cơ quan chủ trì soạn thảo thể chế trong dự thảo Luật Đất đai. “Tại Hội nghị này tôi mong được lắng nghe các ý kiến xem việc thể chế như vậy đã đầy đủ chưa, có khả thi không, những chính sách nào cần tiếp tục được thể chế, những chính sách nào đã được thể chế đầy đủ. Còn những chính sách nào mà mặc dù Nghị quyết 18 không nêu nhưng quá trình thực thi còn vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành… Chính phủ rất mong muốn tập hợp được những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của tất cả các tầng lớp Nhân dân về dự án Luật đặc biệt quan trọng này. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thể hiện sự tôn trọng của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học về quyền dân chủ đối với tài sản là đất đai của Nhân dân. Có như vậy, người dân mới nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mình đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước” – Phó Thủ tướng yêu cầu.

Gợi mở các vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp, đất rừng, tích tụ ruộng đất (liên quan cá nhân hay tổ chức, quy định hạn mức; việc thể chế hóa, tăng cường sự tham gia của MTTQ các cấp, cho phép người dân giám sát, tham gia quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật, Phó Thủ tướng đề nghị các ý kiến đóng góp tại Hội nghị này cũng cần hết sức cụ thể, đi vào các quy định trực tiếp trong các khoản, điều luật, tránh phân tích chính sách chung chung, khó tổng hợp.

dfd
 Hình ảnh các điêm cầu kết nối với Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các tổ chức Hội đến từ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Ninh Bình, Lâm Đồng, Sơn La, Hà Tĩnh, An Giang, Nghệ An, Bắc Ninh, Quảng Ninh, … đã tập trung đề xuất đến việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thời gian cho thuê đất nông, lâm nghiệp; quyền sở hữu và kế thừa đất nông nghiệp; quy định về đất khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; đất lõi vùng di sản, đảm bảo hài hòa giá trị di sản với phát triển sản xuất nông nghiệp; bồi thường về sinh kế cho bà con ở vùng bị thu hồi đất; tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa…

Đáng chú ý, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đề cập đến một số điểm mới trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này gồm có: quy định cụ thể về trách nhiệm cao của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân với đất đai; đổi mới nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoàn thiện quy định cụ thể hơn về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thiện chế độ sử dụng đất cũng như tăng cường và hoàn thiện giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Cũng qua đó, GS.TS Trần Đức Viên đưa ra một số góp ý chi tiết trong Chương II.Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai, Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Chương V về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chương IX. Tài chính về đất đai, giá đất để cụ thể hơn các quy định đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng…

Hội nghị đã nhất trí cao rằng, do khung khổ thời gian có hạn, ngoài các ý kiến phát biểu trực tiếp, các ý kiến còn lại sẽ được tổng hợp bằng văn bản để báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật, để Luật thực sự đi vào cuộc sống.

ègrg
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chú tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải . 

Phát biểu kết luận, Phó Chú tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ vui mừng khi thấy không chỉ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mà các cơ quan, tổ chức khác cũng đã lên kế hoạch chi tiết, có phân công cụ thể để lấy ý kiến về dự án Luật, đúng tinh thần đề ra là: kỹ lưỡng, công phu, chất lượng tốt, bảo đảm tính thực tiễn, tính khoa học và khả thi. Dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đã hoan nghênh Hội nông dân Việt Nam, cảm ơn và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; rất nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, cụ thể, có tính thực tiễn và phản biện cao đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, canh tác và đời sống của người nông dân. “Các ý kiến này là những đóng góp quan trọng để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các đại biểu quốc hội nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Qua đây, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật xin ý kiến hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách, trình UBTVQH, Quốc hội tại kỳ họp tới đây; đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo hôm nay có mặt lắng nghe, báo cáo đầy đủ với cấp có thẩm quyền, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện dự thảo Luật./.

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ngày 30/01/2023 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 552-KH/HNDTW về việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong toàn hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở và hội viên nông dân. Đến nay, Hội Nông dân nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân như Thành phố Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh... với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nông dân; trong đó nhiều tỉnh, thành hội đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến như Tiền Giang (1.267 lượt ý kiến), Vĩnh Long (trên 2.300 lượt ý kiến)... Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều chính sách liên quan đến người nông dân như tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hoá, suy giảm chất lượng đất. Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Chính sách ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất; chính sách thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền... 

Theo dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây