TTBC: LỄ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO “CHỐNG RÁC THẢI NHỰA” HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH LÀM CHO THẾ GIỚI SẠCH HƠN NĂM 2018

Thứ năm - 11/10/2018 06:06

TTBC: LỄ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO “CHỐNG RÁC THẢI NHỰA”  HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH LÀM CHO THẾ GIỚI SẠCH HƠN NĂM 2018



Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu. Chiến dịch là dịp để quy tụ các doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng, các trường học, các cá nhân và quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động và chương trình cải thiện và bảo vệ môi trường như trồng cây, phục hồi tài nguyên, giáo dục cộng đồng, các cuộc thi và triển lãm về môi trường, thu gom, xử lý tái chế chất thải … Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm khởi động cho Chiến dịch có quy mô toàn quốc với sự tham gia của toàn xã hội nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa ra môi trường.
          Các sản phẩm từ nhựa và nilon ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh vật. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa rất nhiều nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ, và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
          Túi ni lông và các sản phẩm bằng nhựa đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, nó được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi. Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn 01 túi ni lông một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm. Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Tác hại của nhựa và túi ni lông đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn, tuy nhiên đến nay con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn. Do vậy, để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Có thể sử dụng thay thế bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự phân hủy, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần… 
Chính vì vậy, việc giảm thiểu chất thải từ nhựa và túi ni lông chính là yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa và túi ni lông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân, bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay hôm nay và ngay bây giờ.
Tham dự chương trình có Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thương mại có sử dụng vật liệu nhựa, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa; đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán; đại diện ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực phía Bắc cùng các cơ quan thông tấn báo chí trung ương.
Nhằm khởi động cho chiến dịch có quy mô toàn quốc với sự tham gia của toàn xã hội trong việc ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa ra môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức Lễ ký cam kết tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa” giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội siêu thị, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. Để thực hiện phong trào này, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và cộng đồng cùng hành động, triển khai thực hiện các hoạt động sau:
1. Tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”:
-  Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện việc giảm thiểu và tiến tới chấm dứt sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
- Phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
- Đối với các hệ thống siêu thị áp dụng thực hành thay thế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần tại mọi sự kiện, mọi hoạt động, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần.
- Đối với các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm phát sinh rác thải túi ni lông, sản phẩm nhựa  khó phân hủy, dùng một lần tổ chức thu hồi vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
2. Đăng ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong đơn vị gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào ngày 12 tháng 10 năm 2018.
3. Xây dựng Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường (Thông qua Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường) để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đánh giá xem xét khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc nhất trong đó:
-  Báo cáo sơ kết kết quả thực hiện đợt 1 đề nghị gửi trước ngày 30 tháng 4 năm 2019 để tổ chức sơ kết, công bố nhân dịp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6/2019) tại tỉnh Bạc Liêu.
-  Báo cáo kết quả thực hiện hằng năm đề nghị gửi trước ngày 20 tháng 8 để tổ chức tổng kết, công bố nhân dịp hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ 3 tháng 9).
            Thông tin chi tiết đề nghị liên hệ: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tầng 4, Tòa nhà Báo Tài nguyên và Môi trường, đường Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; website: www.monrenew.gov.vn; điện thoại: 0984.586.503; thư điện tử: quoclamcb@gmail.com (ông Hoàng Quốc Lâm).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây