Triển khai Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam

Thứ năm - 16/12/2021 01:49
Triển khai Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam
 Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định 2436/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, 3 nội dung lớn sẽ được ưu tiên thực hiện. Đó là xây dựng văn bản pháp luật; đào tạo, truyền thông hợp tác quốc tế và nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Xây dựng văn bản pháp luật: Nhiệm vụ hàng đầu

Trong Kế hoạch thực hiện Đề án, Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường nghiên cứu, đề xuất lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Rà soát, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý, điều chỉnh trong Danh mục phế liệu nhập khẩu (đối với phế liệu nhựa) cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước; rà soát, đề xuất sửa đổi QCVN 32:2018/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất cho phù hợp với thực tế để nâng cao chất lượng phế liệu nhựa nhập khẩu.

Đồng thời rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về nhãn sinh thái đối với túi ni lông thân thiện môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

URENCO Hà Nội tổ chức đổi rác tái chế lấy quà - giải pháp quan trọng thúc đẩy chương trình phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Hoàng Minh

Bộ TN&MT giao Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đồng thời khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hợp tác công tư, mô hình kinh doanh với sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa thu hồi năng lượng.

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu, đề xuất chính sách về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trong nhập khẩu, sản xuất, sử dụng nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam.

Tăng cường đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế

Liên quan đến vấn đề đào tạo, Tổng cục Môi trường sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý chất thải, chất thải nhựa theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT và các đối tượng khác có liên quan về hoạt động quản lý chất thải nhựa.

Về vấn đề truyền thông, Bộ TN&MT giao Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng định hướng tuyên truyền trong ngành TN&MT về tăng cường phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa; Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường được giao tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và vi nhựa đối với môi trường và hệ sinh thái; truyền thông, tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải nhựa theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật…

Về hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT giao Vụ Hợp tác quốc tế làm đầu mối điều phối, chủ trì việc thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trong quản lý chất thải nhựa cũng như đàm phán và tiến hành các thủ tục tham gia các điều ước và thỏa thuận quốc tế liên quan đến quản lý chất thải, chất thải nhựa đại dương… Tổng cục Môi trường triển khai các công ước, điều ước quốc tế và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa, sản xuất và tiêu dùng bền vững theo phân công của Lãnh đạo Bộ; triển khai Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa ở Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới; Tổ chức các hội thảo, tập huấn, đào tạo quốc tế về quản lý chất thải, chất thải nhựa theo phân công.

Ứng dụng công nghệ, triển khai các mô hình  quản lý chất thải nhựa

Để thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, Bộ TN&MT sẽ huy động nhiều đơn vị để thực hiện. Trong đó, Tổng cục Môi trường được giao điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất các sản phẩm nhựa; tình hình phát sinh, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; xây dựng hệ thống thông tin quản lý chất thải nhựa; đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định về quản lý chất thải nhựa. Đồng thời triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng…

Từ năm 2022 - 2025, nghiên cứu quy định về môi trường đối với các sản phẩm tái chế, hàng hóa chứa vi nhựa và túi ni lông, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; thực hiện lộ trình và hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa tại nguồn; áp dụng tiêu chí/quy định về giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức giám sát, đánh giá hiện trạng chất thải nhựa tại một số cửa sông chính, khu vực ven biển, đảo tiền tiêu có tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế biển; điều tra, đánh giá hiện trạng chất thải nhựa đại dương tại Việt Nam; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải nhựa đại dương; đề xuất xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát, kiểm soát chất thải nhựa đại dương.

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá hoạt động sản xuất, nhập khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa và đề xuất giải pháp quản lý cho Việt Nam. Triển khai thí điểm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nhựa; hướng dẫn áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất các sản phẩm nhựa; hướng dẫn tối ưu hóa hoạt động sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa; hỗ trợ xây dựng và phát triển thị trường tái chế chất thải nhựa; đề xuất các giải pháp tái sử dụng, tái chế tối đa chất thải nhựa thành nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tái chế, xử lý chất thải nhựa, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.


Theo Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây