Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động

Chủ nhật - 12/06/2022 21:59
Sáng 12/6, tại điểm cầu chính ở tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại trực tiếp và trực tuyến với 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Chú thích ảnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ đối thoại với công nhân lao động năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để chuẩn bị cho chương trình, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay, Tổng Liên đoàn đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các cấp, ngành.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, từ ngày thành lập nước, Đảng, Nhà nước luôn đặt mục tiêu là làm sao để đất nước ta được độc lập, tự do; nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, trong đó có giai cấp công nhân, người lao động. Đảng, Nhà nước luôn luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, công nhân, người lao động để hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện.

Trong 2 năm qua, do có khó khăn vì đại dịch COVID-19 nên các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp bị hạn chế. Cuộc gặp gỡ, đối thoại này Chính phủ muốn nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, chế độ, chính sách; lắng nghe ý kiến của công nhân, người lao động. Do đó, đề nghị công nhân, người lao động chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm, hết sức xây dựng để tìm giải pháp tốt nhất thực hiện mục tiêu nêu trên.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân lao động năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng đối thoại trực tiếp các câu hỏi của công nhân, người lao động trong cả nước. Nội dung tập trung 10 nhóm vấn đề như: Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7; sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho công nhân, người lao động; chính sách về nhà ở, khám chữa bệnh, các phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân, người lao động bị mắc COVID-19; hỗ trợ vốn vay cho công nhân, người lao động; công tác chăm lo, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân; công tác tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc...

Phần trao đổi, giải thích, trả lời thấu đáo, thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương được đông đảo công nhân, người lao động nồng nhiệt đón nhận; đồng thời công nhân, người lao động bày tỏ sự thấu hiểu, tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quyết tâm phấn đấu lao động, sản xuất, thực hiện các quy định để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Phát biểu kết thúc cuộc gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động; ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc đối thoại này tiếp nối những công việc đã và đang thực hiện từ trước tới nay.

Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của công nhân; trân trọng cảm ơn sự đóng góp này của công nhân trong thời gian qua và trong cuộc đối thoại này. “Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề; tập trung rà soát lại các cơ chế, thể chế, chính sách, nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện; chú ý tâm tư, nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động”, Thủ tướng cho biết.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại có nhiều chủ thể tham gia, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động. Do đó, mong muốn công nhân, người lao động tiếp tục huy truyền thống, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng giải quyết kịp thời các vấn đề mới nảy sinh, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, trong đó có công nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tiếp thu, lắng nghe để công nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các địa phương phối hợp với các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giải quyết nguyện vọng chính đáng của công nhân.

Thủ tướng tin tưởng công nhân tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp hiệu quả, tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ngành đối thoại với công nhân lao động năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

* Sau chương trình, Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến và thực hiện nghi thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”, một chương trình giải trí truyền hình dành cho công nhân, người lao động trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện. 

Chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nhiều ước mơ, khát vọng, làm việc giỏi, có lối sống đẹp; đồng thời, khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với công nhân, người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Theo baotintuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây