Tăng cường tính minh bạch trong quản lý dữ liệu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris

Thứ sáu - 23/12/2022 04:05
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” (CBIT).

Dự án CBIT do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP. Chủ dự án là Cục BĐKH (Bộ TN&MT). Mục tiêu nhằm giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp yêu cầu của Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris.

Dự án được thiết kế theo ba hợp phần: Tăng cường năng lực thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho BĐKH trong nước và quốc tế; Chia sẻ kết quả dự án ở cấp quốc gia và cấp quốc tế. Thời gian triển khai trong 4 năm, từ năm 2023 đến hết tháng 3 năm 2026.

Minh bạch ngân sách đầu tư và chi tiêu cho BĐKH

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Giám đốc quốc gia Dự án CBIT cho biết: Hội nghị COP26 (năm 2021) đã thông qua Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow. Qua đó, hoàn thiện Bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris với những quy định cụ thể về Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris để thực hiện từ năm 2021 trở đi.

Là một bên tham gia các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã bước đầu thể chế hóa các quy định về kiểm kê khí nhà kính và khung minh bạch trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, việc theo dõi, giám sát tuân thủ các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện thông qua Hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (MRV). Hệ thống này do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định về MRV và vận hành cơ sở dữ liệu trực tuyến quốc gia về MRV.

anh-1(1).jpg
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Giám đốc quốc gia Dự án CBIT phát biểu tại Hội thảo

Việc cung cấp thông tin phục vụ MRV quốc gia là trách nhiệm liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành, địa phương. Ở cấp cơ sở, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các tổ chức liên quan khác có trách nhiệm tuân thủ các quy định về MRV; cung cấp bổ sung thông tin, số liệu hoạt động phục vụ MRV cấp quốc gia, lĩnh vực theo yêu cầu của Bộ TN&MT và các Bộ quản lý lĩnh vực.

Theo ông Tấn, đây là những vấn đề mới đối với hầu hết các cơ quan, cơ sở phát thải tại Việt Nam. Để triển khai các quy định pháp luật trong thời gian tới, dự án CBITS sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp yêu cầu quốc tế. Trên cơ sở này, dự án cũng sẽ giúp tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho BĐKH trong nước và quốc tế một cách có hệ thống.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc quản lý dữ liệu thông tin, minh bạch quốc tế và trong nước rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu. Trong đó, yêu cầu dữ liệu cần tuân thủ phương pháp luận quốc tế và có thể quốc gia hóa, nhằm chia sẻ ở cấp đô quốc gia và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường nguồn thông tin dữ liệu về môi trường trong nước. Chính phủ rất quan tâm đến bức tranh tổng thể thông qua các báo cáo kinh tế - xã hội - môi trường theo tháng, quý, năm. Mảng kinh tế xã hội khá phong phú nhưng riêng mảng môi trường còn hạn chế.

Tăng cường năng lực cho các bên liên quan

Theo ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hiện đang trở thành hình mẫu đi đầu trong hợp tác đa phương trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Việc thiết lập một hệ thống MRV quốc gia mạnh mẽ, minh bạch và bền vững là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn tài chính khí hậu dài hạn và có thể dự báo được để thực hiện NDC, đặc biệt là từ các nguồn vốn quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ đô la Mỹ hàng năm để thực hiện NetZero 2050. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris về việc nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần đầu tiên vào cuối năm 2024.

quang-canh-hoi-thao-khoi-dong.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Dự án CBIT sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quốc gia trong việc theo dõi, báo cáo về phát thải khí nhà kính và thực hiện các hành động ứng phó BĐKH. Trong đó, các Bộ, ngành liên quan và cơ sở phát thải khí nhà kính lớn sẽ cùng tham gia vào việc thiết kế hệ thống báo cáo và kiểm kê KNK cấp quốc gia và cấp ngành, phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Bà Chu Thanh Hương, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, ngay trong năm 2023, Bộ TN&MT phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng Chương trình đào tạo, tập huấn về thu thập và phân tích dữ liệu cho kiểm kê KNK quốc gia cho các đối tượng ưu tiên, gồm: Cán bộ quản lý cấp sở, phòng của các địa phương; kỹ thuật viên thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; cán bộ làm công tác kiểm kê khí nhà kính ở một số doanh nghiệp (được lựa chọn trong danh mục cơ sở phát thải lớn tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg). Qua đó, hình thành nhóm nòng cốt về thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu theo đúng quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và Thỏa thuận Paris.

Chương trình đào tạo, tập huấn dự kiến sẽ triển khai trong các lĩnh vực: chất thải rắn, nước thải, chăn nuôi, sản xuất xi măng. Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ thí điểm một nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dự án cũng sẽ giám sát, đánh giá và chia sẻ các bài học kinh nghiệm, thực hành tốt ở cấp quốc gia và quốc tế.

Sau Hội thảo khởi động, Cục BĐKH sẽ phối hợp với UNDP để trình UNDP, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch năm 2023 để sớm triển khai thực hiện.

Theo Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây