Chiến sĩ Hải quân chung tay 'xanh hóa' Trường Sa

Thứ hai - 06/02/2023 23:09
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, quân dân huyện đảo cùng sự chung tay góp sức của cả nước, Trường Sa giờ đây không chỉ có sóng vỗ ngàn trùng mà còn mang trên mình một màu xanh trù phú. Sắc xanh của Trường Sa gợi lên không gian bình yên của những làng quê Việt Nam và cũng là hiện thân cho ý chí, quyết tâm xây dựng quần đảo Trường Sa thành chốt tiền tiêu chiến lược của Tổ quốc.
Chiến sĩ Hải quân chung tay 'xanh hóa' Trường Sa - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây trồng mới xây xanh - Ảnh: VGP/Quang Đạo

Đổi thay nơi đầu sóng, ngọn gió

Từng nhiều lần đến với Trường Sa nhưng trong chuyến công tác gần đây nhất, NSND Minh Tâm thực sự bất ngờ trước sự đổi thay của Trường Sa hôm nay. Theo ông, sự đổi thay của Trường Sa thể hiện qua những công trình bề thế, tiện ích hơn như âu tàu, làng chài, nhà văn hóa đa năng... và những thay đổi trong môi trường, chất lượng cuộc sống của quân dân nơi đây.

Trong câu chuyện đầu xuân Quý Mão, NSND Tạ Minh Tâm chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi được đến Trường Sa là năm 2012. Thời điểm đó, các đảo còn nhiều khó khăn, cây xanh rất ít. Nhưng hiện nay, cây xanh ở tất cả các đảo đã rất phong phú về chủng loại; số lượng cây xanh cũng tăng lên rất nhiều; các vườn rau tăng gia cũng được đầu tư bài bản hơn. Cùng với đó là hệ thống năng lượng sạch, hệ thống lọc nước, pin mặt trời, điện gió… Đời sống quân dân nơi đầu sóng đã ngày càng tốt hơn rất nhiều so với trước đây".

Theo những người lính hải quân, "xanh hóa Trường Sa" vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhiệm vụ và cũng là mong mỏi của quân dân trên các đảo. Đó còn là trăn trở, là tấm lòng của người dân cả nước, của các địa phương đối với Trường Sa thân yêu. Do kiến tạo địa chất của nền cát mặn, thềm san hô và khí hậu khắc nghiệt nên mỗi một cây xanh sinh trưởng được trên đảo đều thấm đẫm công sức, mồ hôi của quân dân nơi đây.

Trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô và đất (mang từ đất liền ra), khả năng giữ nước rất hạn chế, việc trồng cây xanh trên các đảo vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt đất, trên lá và thân cây, làm thổ nhưỡng ngày một cằn cỗi, cây chậm phát triển. Cây xanh trên các đảo thường xuyên phải chống chọi với khí hậu khắc nghiệt: Mùa mưa, bão gió lớn, mùa khô lại thiếu nước. Vì vậy để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa không phải là việc dễ thực hiện. Ngay việc ươm mầm cây con đã đối diện với bao khó khăn, vất vả. Người lính Hải quân nhiều khi phải "nhường" cả nước ngọt để "cây xanh đỡ khát". Có những lần bão lớn cướp đi thành quả, công sức của họ.

Điển hình là trận bão số 9 tháng 12/2021, hơn 90% cây xanh ở các đảo gãy, đổ, đất bị nhiễm mặn, nhiều đảo gần như không còn màu xanh… Song với ý chí và quyết tâm "xanh hóa Trường Sa", các lực lượng trên quần đảo đã nỗ lực không ngừng để nhân lên sắc xanh ở Trường Sa. Đến nay, hầu hết các đảo như Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn Đông, Sơn Ca, Nam Yết... đều đã mang trên mình màu xanh tươi mát. Đó là màu xanh của bình yên; màu xanh của những nỗ lực không ngừng nghỉ…

Góp phần vào quá trình "xanh hóa Trường Sa", bên cạnh cố gắng của cán bộ, quân dân trên đảo, không thể không nói đến sự chung sức, đồng lòng của người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. 

Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ, tính riêng trong 5 năm trở lại đây, đất liền đã ủng hộ quân dân Trường Sa hơn 34.000 cây xanh các loại. Cùng với đó là hàng trăm tấn đất, hàng chục tấn phân bón, hàng chục vườn ươm của mô hình "Vì Trường Sa xanh" nhằm giúp quân dân Trường Sa trồng và chăm sóc cây xanh tốt hơn. Bên cạnh số cây xanh nguồn gốc tự nhiên trên đảo như phong ba, mù u, bàng vuông, hiện nay các đảo đều được quy hoạch trồng mới các loại cây xanh như dừa Bến Tre, Bình Định, phi lao, tre, keo, bạch đàn... Đây là những loại cây xanh sau nhiều năm phát triển, không chỉ mang lại bóng mát mà còn có thể khai thác để phục vụ đời sống, sinh hoạt, huấn luyện của quân dân trên đảo.

Chiến sĩ Hải quân chung tay 'xanh hóa' Trường Sa - Ảnh 2.

Chiến sĩ Hải quân "trổ tài" chiết cây để nhân lên màu xanh trên đảo - Ảnh: VGP/Quang Đạo

Chung tay "xanh hóa Trường Sa"

Cùng với hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh, việc tăng gia sản xuất trên các đảo cũng giúp gia tăng màu xanh, bảo đảm môi trường sống và nâng cao đời sống cho quân dân Trường Sa, DK1 theo hướng chính quy, bền vững.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 đã quyết tâm đẩy mạnh tăng gia sản xuất tại các đảo, phấn đấu bảo đảm lương thực, thực phẩm tươi xanh. Song song với việc xây dựng khu nuôi lợn riêng cho các đảo, việc trồng các loại rau xanh cũng được thực hiện thống nhất, hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.

Đến nay, nhờ được đầu tư và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, địa phương, các đảo đã xây dựng được 13 vườn rau, nhà lưới; củng cố hàng chục vườn "tăng gia rau xanh". Trong đó, hai vườn rau nhà lưới tại đảo Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông cùng mô hình nhà màng ở đảo Nam Yết đã mở ra ý tưởng mới về công nghệ trồng rau nhà kính, bảo đảm nguồn rau xanh quanh năm ở Trường Sa trong thời gian tới.

Tháng 5/2022, khi tham quan các vườn rau theo mô hình nhà màng ở đảo Nam Yết, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: "Đây là mô hình phù hợp với điều kiện đặc thù ở đảo, Cục Quân nhu cần nghiên cứu để có hướng đầu tư, nhân rộng trong thời gian tới". 

Tính chung trong năm 2022, số lượng đất màu trồng rau được mang ra các đảo lên đến 30 tấn; phân hữu cơ là vi sinh là 19,1 tấn; hạt rau là 1.800 kg; các đảo nổi tăng gia được 78.950 kg rau xanh, vượt 102% kế hoạch năm; thịt các loại là 17.195 kg. Các đảo chìm cũng tăng gia được 25.390 kg rau củ quả các loại, vượt 105%; tổng giá trị thu được từ tăng gia đạt gần 3 tỷ đồng. Còn theo Thượng tá Nguyễn Sỹ Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, nhờ tăng gia tập trung theo mô hình mới, năm vừa qua lượng rau xanh trên đảo đạt đến 13.000 kg, đủ lượng rau xanh cho bộ đội trên đảo sử dụng hằng ngày.

Chiến sĩ Hải quân chung tay 'xanh hóa' Trường Sa - Ảnh 3.

Bộ đội Hải quân trồng rau xanh trên đảo Len Đao - Ảnh: VGP/Quang Đạo

Vì một Trường Sa ngày một xanh hơn

Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn có vai trò quan trọng trong che, chắn gió, bão; góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên các đảo. Thực tế cho thấy, dù đất liền và quân dân trên đảo cùng chung tay, góp sức nhưng việc trồng, chăm sóc cây xanh tại quần đảo Trường Sa còn gặp không ít khó khăn do đặc thù điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt.

Vì vậy, để "xanh hóa Trường Sa" thì vẫn rất cần những nguồn lực đầu tư lớn, cả trước mắt và lâu dài. Quân, dân trên các đảo mong muốn được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể xã hội, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung tay, giúp sức trồng, chăm sóc cây xanh, tạo môi trường sinh thái trong lành, tạo nên những phên dậu xanh chắn mưa, gió, ngụy trang, che chắn cho các đảo; góp phần giúp quân, dân huyện đảo an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Một mùa xuân mới đã về với quân dân huyện đảo. Khát vọng "xanh hóa Trường Sa" sẽ được hiện thực hóa từ chính nỗ lực, quyết tâm của quân dân trên các đảo, sự chung sức đồng lòng của các bộ, ngành cùng nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài để Trường Sa luôn thắm sắc xanh; mãi gắn với không gian bình yên của những làng quê Việt Nam truyền thống và ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây