Cảnh báo kịp thời về hướng di chuyển, cường độ, thời điểm đổ bộ của bão số 4

Thứ ba - 27/09/2022 02:56
Sáng 27/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nghe Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) báo cáo về công tác dự báo bão số 4.

Dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục KTTV; cuộc họp được kết nối trực tuyến đến một số Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố.

bt-can-canh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung

Trọng tâm mưa diễn ra vào đêm 27/9 đến sáng 28/9

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Hồi 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 10 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.  

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.

gd-khiem.jpg
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung

Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2-1,7m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5-2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, trên đất liền, từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

“Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.

toan-canh-nghe-bao-cao.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Khương Trung

Cảnh báo kịp thời diễn biến nguy hiểm của bão số 4

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các chuyên gia dự báo đã cùng thảo luận, phân tích về các thông tin xung quanh cơn bão số 4, gồm: Đánh giá về cường độ của bão số 4 so với các cơn bão trước đây trong cùng thời gian xuất hiện; đặc điểm của cơn bão từ khi xuất hiện, đi vào Philipines đến khi vào Biển Đông nước ta; so sánh thông tin dự báo về cơn bão của các cơ quan dự báo quốc tế và Việt Nam; thông tin cụ thể về diễn biến bão số 4 về hướng di chuyển, cường độ, thời điểm đổ bộ, các cảnh báo với người dân...

Chuyên gia dự báo KTTV Lê Thanh Hải cho rằng, các diễn biến của bão đến thời điểm này cho thấy bão đang mạnh thêm, trở thành một cơn bão xấp xỉ siêu bão và đang tiến về vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ nước ta. Đến thời điểm này, nơi cần chú ý nhất là đảo Lý Sơn khi bão số 4 chắc chắn sẽ quét qua địa điểm này. Khi đến đảo Lý Sơn, cường độ bão còn ở mức khoảng cấp 13, 14, khi vào bờ sẽ giảm.

Ông Lê Thanh Hải cũng nhận định, đây là cơn bão có kích thước trung bình nhưng rất mạnh. Bão có khả năng gây mưa rất lớn, phổ mưa trải dài suốt từ Thanh Hóa xuống phía Nam. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai cần đặc biệt đề phòng gió bão khi gió có thể mạnh cấp 10, 11, vùng trung tâm có thể mạnh hơn. Các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên – Huế đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cần chú ý vấn đề nước dâng do bão.

Theo thông tin từ lãnh đạo Đài KTTV tỉnh Quảng Ngãi, liên tục trong những ngày qua, Đài đã thường xuyên cung cấp các thông tin về cơn bão cho địa phương. Báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, huyện đảo đã sẵn sàng cho công tác ứng phó bão số 4. Trường hợp, bão đạt đến cấp siêu bão, Lý Sơn sẽ tổ chức di dời người dân đến hầm trú ẩn. Đến trưa nay (27/9), toàn bộ công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan tỉnh Quảng Ngãi được nghỉ việc để phòng tránh bão. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên đi kiểm tra, đốc thúc công tác ứng phó bão tại các huyện, xã. Hiện tại, mạng lưới trạm KTTV tỉnh Quảng Ngã đã được chằng chống, các điều kiện kỹ thuật, nhân lực đã sẵn sàng cho công tác dự báo.

toan-canh-3.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, bão số 4 là cơn bão mạnh, khi đổ bộ vào Philipines đã gây nhiều thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chị đạo ứng phó. Trong những ngày qua, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã cập nhật thường xuyên, cung cấp kịp thời thông tin về diễn biến của bão cho các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai ở cả Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong cơn bão số 4, cơ quan dự báo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dự báo quốc tế để đưa ra các số liệu dự báo bài bản, cung cấp kịp thời cho địa phương. Cho rằng, sau khi vào Biển Đông, bão số 4 sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực đảo Lý Sơn, cường độ bão ở mức nguy hiểm cao, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan dự báo cần tiếp tục theo dõi, cung cấp đầy đủ thông tin cho Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, đặc biệt là chính quyền huyện đảo Lý Sơn để có ngay biện pháp ứng phó phù hợp. Đối với các địa phương có kinh nghiệm và mức độ chống chịu thấp như khu vực Tây Nguyên, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan dự báo đưa ra các thông tin dự báo chi tiết, cụ thể về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng do bão.

Nhấn mạnh, thời gian để đưa ra các quyết định ứng phó bão số 4 còn rất ngắn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan dự báo tiếp tục sử dụng các phương tiện kỹ thuật được đầu tư như các trạm quan tắc, trạm ra đa, máy móc hiện đại để đưa ra các thông tin chính xác hơn về cường độ, bán kính, vùng ảnh hưởng của cơn bão với các địa phương. Đặc biệt là thời điểm tác động trực tiếp của bão đến đất liền nước ta. Đồng thời, có cảnh báo chính xác, kịp thời về tác động của gió, nước biển dâng. Cung cấp đầy đủ những thông tin cho Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương và người dân nắm được đây là cơn bão mạnh. Cơ quan dự báo nên đưa ra các hình ảnh về các cơn bão có nét tương đồng về cường độ, phạm vi ảnh hưởng trong lịch sử để người dân hiểu, chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

g.png
Hình ảnh ra đa về bão số 4 lúc 10 giờ ngày 27/9. Ảnh: TTDB KTTV QG

Bên cạnh thông tin dự báo của cơ quan dự báo tại Trung ương, Bộ trưởng yêu cầu các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh, thành phố cần cập nhật số liệu đầy đủ hơn, đặc biệt là các thông tin dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để người dân chủ động phòng tránh. Bộ trưởng cũng yêu cầu các công chức, viên chức ngành KTTV, đặc biệt là công chức, viên chức ngành KTTV tại khu vực Trung Trung Bộ, Tây Nguyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc dự báo được giao.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục KTTV tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra công tác sẵn sàng, thực hiện trực ban nghiêm túc, duy trì thông tin thông suốt, liên tục. Đồng thời, có biện pháp đảm bảo an toàn cho các dự báo viên, người lao động đang làm việc tại các khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 4.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây