Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thanh tra các cấp đã phối hợp thông suốt trong thanh, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai

Thứ tư - 31/10/2018 04:14
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thanh tra các cấp đã phối hợp thông suốt trong thanh, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai

(TN&MT) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời làm rõ các vấn đề mà các vị Đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến công tác quản lý đất đai và bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các ĐBQH bên hành lang Quốc hội sáng 31/10. Ảnh: Việt Hùng

Trả lời đại biểu Lữ Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) về công tác quản lý đất đai, vai trò của thanh tra, của ngành Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý đất đai… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết:
Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng thanh tra hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường và chức năng thanh tra các chuyên ngành trong đó có công tác quản lý đất đai. Và đối tượng thanh tra là các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng cho biết, như ông đã trả lời trong phiên chất vấn ngày hôm qua 30/10, trong thời gian 2 năm 2016 - 2017 ngành tài và nguyên môi trường tiến hành trên 1.000 cuộc thanh tra tập trung các dự án khu vực quản lý đất đai lỏng lẻo. Đặc biệt tập trung thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, nghị định của Chính phủ liên quan đến quản lý đất đai nông lâm trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các vị Đại biểu Quốc hội sáng 31/10

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, kết quả của các cuộc thanh tra đó là các xử lý xử phạt về hành chính, xử lý trách nhiệm quản lý, thu hồi lại các kinh phí cho nhà nước… Bộ trưởng cũng cho biết, thanh tra tài nguyên và môi trường còn thực hiện các nhiệm vụ đột xuất liên quan đến các bức xúc nóng từ địa phương và thanh tra khi phát hiện các sai phạm trong quản lý đất đai… Các công việc này chiếm khoảng 30% khối lượng công việc thanh tra về đất đai của ngành Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, vấn đề bức xúc về đất đai đã để lại trong một thời gian dài, các vấn đề liên quan đến quản lý, vấn đề khiếu kiện, tố cáo… nên Chính phủ đã giao ngành Tài nguyên và Môi trường cùng với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các địa phương… để tham mưu và giúp Chính phủ kiểm tra lại các kết quả quản lý ở các cấp liên quan đến công tác quản lý đất đai.
“Nói như vậy, với khối lượng công việc lớn trong khi số lượng thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ 40 người mà để đáp ứng một công việc đồ sộ như vậy, tôi cho rằng Thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Nhà nước các địa phương trong việc ban hành các kế hoạch trong đó xác định các vấn đề cần quan tâm, cần thanh, kiểm tra trong đó có công tác quản lý đất đai…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng

Và từ hoạt động chung này, trong cả ngành Thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đến Thanh tra các địa phương đã tạo nên sự phối hợp thông suốt. Điều này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả thông qua việc rất nhiều sự việc, sai phạm… được phát hiện, xử lý, phạt tiền thu về cho ngân sách nhà nước cũng như đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong đó có cả những vụ việc xử lý về trách nhiệm và có cả những vụ việc chuyển từ hành chính sang hình sự.
“Chúng tôi hiểu rằng với ngành Tài nguyên và Môi trường, công tác Thanh tra là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Ngành Tài nguyên và Môi trường đề nghị được tăng cường về nhân sự, năng lực, trang thiết bị… để nâng cao hiệu quả của lực lượng này trong toàn quốc… ” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) về công tác xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 về việc quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai” đã quy định rõ. Trong thông tư này đã quy định đầy đủ các quyền đăng ký cũng như quyền thế chấp các tài sản trên đất.
Trả lời đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) về làm sạch sông Nhuệ - sông Đáy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong phiên chất vấn sáng 30/10, ông đã trả lời về nội dung này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, theo ông cần có Ban Chỉ đạo liên ngành về vấn đề này. 
Theo Bộ trưởng, Ban Chỉ đạo liên ngành này cần làm rõ trách nhiệm của các địa phương với tư cách là người quản lý toàn bộ nguồn thải của các địa phương đó. Và hiện nay, Bộ trưởng cho biết, số liệu thống kê các nguồn thải của các địa phương lưu vực sông Nhuệ - Đáy đều đã có.
“Như vậy chúng ta cần cung cấp hạn mức cụ thể để từng địa phương có lộ trình cắt giảm phát thải nước thải đối với sông Nhuệ, sông Đáy. Đồng thời các Bộ, Ngành cần sửa đổi các cơ chế, chính sách để xã hội hóa để các doanh nghiệp tư nhân có đủ công nghệ, có đủ năng lực có thể vào tham gia xử lý môi trường sông Nhuệ - Đáy” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. 
                                                                           
(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây