Hà Nội nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong chống rác thải nhựa

Thứ tư - 29/07/2020 04:17
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%. Trước tình trạng này, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2020, tất cả cửa hàng, chợ, siêu thị trong đô thị không sử dụng túi nilon...Thời gian qua, phong trào chống rác thải nhựa tại Hà Nội đã lan rộng trong cộng đồng, với những cách làm hay và nhiều mô hình sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực.

Chống rác thải nhựa tại khu thương mại và địa điểm công cộng

Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), các tiểu thương đã hạn chế phát sinh lượng lớn túi nilon bằng những sáng kiến như sử dụng túi giấy đựng đồ lưu niệm, hoa quả sấy khô; đóng nhiều mặt hàng trong một túi nilon thay vì mỗi thứ một túi như trước đây. Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, thay vì sử dụng túi nilong đã sử dụng túi giấy, dùng ống hút và cốc giấy thay ống hút và cốc nhựa...Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, các tổ chức đoàn thể, đơn vị chức năng đã thực hiện nhiều buổi tuyên truyền, ký cam kết đối với các tiểu thương kinh doanh tại các trung tâm thương mại trên địa bàn trong việc hạn chế rác thải nhựa.

Tương tự, quận Hà Đông, bà Lại Hà Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận cho biết: “Đa số hội viện phụ nữ quận dùng làn khi đi chợ để thay thế, hạn chế sử dụng túi nilon. Để nhân rộng mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận và cơ sở đã tổ chức nhiều đợt phát động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, tặng 5.000 túi thân thiện với môi trường, 580 hộp đựng thức ăn, 22.000 chai thủy tinh cho cán bộ, hội viên phụ nữ”. Ngoài ra, sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các hội viên tham gia chương trình thu gom rác thải “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, ra mắt 8 mô hình mới như: Thùng rác từ thiện, Thùng rác thân thiện… kết quả thu được 1.785kg phế liệu, đóng góp 95 triệu đồng vào quỹ hội...

Tại huyện Thanh Trì, lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, tuổi trẻ Thanh Trì đã đẩy mạnh mô hình ra quân vệ sinh môi trường thu gom, nhặt túi nilon, rác thải nhựa, triển khai sâu rộng tại 16 xã, thị trấn. Đồng thời phụ trách vệ sinh môi trường tuyến đường sắt qua địa bàn huyện dài trên 4km, thường xuyên ra quân phát quang bụi rậm, thu gom rác thải nhựa trên toàn tuyến. Đặc biệt, mô hình phát túi giấy cho bà con tại các chợ được thực hiện thường xuyên, đem lại hiệu quả khả quan”- Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Phạm Tiến Đạt cho biết.

Phân loại rác thải nhựa tại nguồn
Bên cạnh những cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, thực tế vẫn còn không ít khó khăn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, nhất là phân loại rác tại nguồn. Để từng bước khắc phục, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đã xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để hạn chế sử dụng túi nilon, hạn chế xả trực tiếp rác thải nhựa ra môi trường.

Tại quận Hoàn Kiếm, đến nay, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm đã triển khai lắp đặt 30 thùng rác để thu gom rác tái chế, thí điểm tại 3 phường Cửa Đông, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ và các trường học trên địa bàn quận. Mục tiêu của quận Hoàn Kiếm là phấn đấu đến cuối năm, đảm bảo 18 phường đều được lắp đặt thùng rác tái chế.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Quận Hoàn Kiếm  tiếp tục chỉ đạo tuyên tuyền đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ và người dân ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và nhựa dùng 1 lần. Trong tháng 7/2020, quận sẽ tổ chức Lễ phát động chương trình phân loại rác tại nguồn, rác thải sẽ được chia thành 2 nguồn – rác tái chế và rác xử lý". 

Đối với quận Hà đông, Hội phụ nữ quận tích cực hưởng ứng việc sử dụng làn tự đan bằng việc thu lượm dây nhựa tại các công trình xây dựng, tích cực đan làn tặng nữ tiểu thương tại chợ. Được biết, trong thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh mô hình này đến tất cả các phường trên địa bàn.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, để phong trào chống rác thải nhựa ngày càng lan rộng, ngoài việc tuyên truyền, vận động, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan chức năng, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích các DN chuyển đổi sang sản xuất bao bì xanh, thân thiện môi trường hoặc các sản phẩm sinh học dễ phân hủy.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây