Kinh tế biển xanh - cơ hội phục hồi hệ sinh thái: Lan tỏa thông điệp phát triển bền vững kinh tế biển

Thứ ba - 07/06/2022 00:03
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 (từ ngày 1 - 8/6) có chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm rà soát những vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tình hình thực tiễn.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn bà Phạm Thu Hằng - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

PV: Xin bà cho biết tầm quan trọng của việc phát triển bền vững kinh tế biển và hiện trạng bảo vệ hệ sinh thái biển Việt Nam hiện nay?

Bà Phạm Thu Hằng: Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng các khu vực có biển được đầu tư đã kết nối và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển... Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế, trong đó tập trung ưu tiên phát triển bền vững các ngành mà Việt Nam có thế mạnh, bao gồm du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

dsc_6135.jpg
Bà Phạm Thu Hằng - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển với sự phát triển của đất nước, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu, đề xuất các giải pháp căn cơ nhằm quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, đảo; chủ động điều tra cơ bản tài nguyên; phân vùng không gian và sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; kiểm soát tốt môi trường biển,… Đến nay, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo đã thiết lập được hệ thống từ trung ương đến địa phương, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, góp phần đáng kể vào phát triển bền vững của từng địa phương và cả nước.

Về hiện trạng bảo vệ hệ sinh thái biển, Nghị quyết 36-NQ/TW đã xác định việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và phục hồi hệ sinh thái biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Vì vậy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát hiệu quả bảo tồn các hệ sinh thái biển trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường; đề xuất các biện pháp kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác… Bên cạnh đó, Tổng cục đã phối hợp với các Sở TN&MT liên quan rà soát và đề ra các giải pháp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; kiểm soát các hoạt động khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển; kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, đặc biệt là nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo,…

PV: Để quảng bá và truyền thông rộng rãi chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” của Tuần lễ biển và hải đảo kỳ này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tập trung triển khai những hoạt động gì, thưa bà?

Bà Phạm Thu Hằng: Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam chính thức trở thành một hoạt động thường niên kể từ năm 2009, Bộ TN&MT xác định đây là sự kiện quan trọng không chỉ có ý nghĩa sâu sắc và mang tầm Quốc gia mà còn có ý nghĩa cả về phương diện Quốc tế. Mục tiêu chung của việc tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các cấp có thẩm quyền ra quyết định về vai trò quan trọng của biển, đảo trong đời sống, qua đó cổ vũ các hoạt động “vì sự bền vững của biển cả”. Chính vì vậy, chúng tôi coi việc tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo hằng năm là cơ hội để thúc đẩy toàn xã hội thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Năm 2022, ngay từ đầu tháng 5, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ TN&MT ban hành văn bản gửi đến các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các địa phương chỉ đạo, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2022 với chủ đề của quốc tế và Việt Nam. Qua đó, đề nghị các cơ quan tập trung tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; tài nguyên, môi trường biển, đảo; phát triển bền vững kinh tế biển,…

Từ ngày 15/5 - 15/6/2022, đồng loạt tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2022 trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào những hoạt động cụ thể như:Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2022 theo hướng hiệu quả, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới trong các phương thức, hình thức truyền thông, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.

dn1.jpg

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu Bộ TN&MT tổ chức một chuỗi các sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam tại Phú Yên và phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”;….

PV: Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường rất cần sự chung tay của các bộ, ngành địa phương và toàn xã hội. Nhân dịp này, bà có gửi gắm điều gì để chúng ta sớm đạt được mục tiêu như mong muốn?

Bà Phạm Thu Hằng: Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra và phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành địa phương và toàn xã hội. Do đó, để chúng ta sớm đạt được các mục tiêu như mong muốn, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước về biển, đảo; kiện toàn tổ chức nhằm thực hiện hóa nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo.

Đồng thời, thực hiện tốt việc quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, nhằm bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Thực hiện cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lý trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Trên cơ sở quy hoạch không gian biển, sẽ tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường biển, tránh lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng…

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp người dân về vị thế, vai trò và tiềm năng của biển; về chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; xây dựng và quảng bá “Thương hiệu biển Việt Nam”; chủ động nghiên cứu các tác động của BĐKH và nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thích ứng và giảm thiểu do BĐKH gây ra.

Có thể thấy, đặt niềm tin vào Đảng và với tình yêu lan tỏa rộng lớn với biển đảo quê hương, chắc chắn các mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra sẽ sớm đạt được và nước ta sẽ sớm trở thành quốc gia biển mạnh như mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW đã đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây