Đoàn công tác BCĐ Quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc với Công ty Thủy điện Sơn La

Thứ tư - 25/05/2022 21:33
Ngày 25/5, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên (PCTT) do đồng chí Trần Hồng Thái, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Công ty Thủy điện Sơn La về công tác PCTT của Nhà máy.

Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Bộ Công an, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía Công ty Thủy điện Sơn La có ông Hoàng Xuân Phong, Phó Giám đốc Công ty, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của Công ty.

6(1).jpg
Ông Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hoàng Xuân Phong, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, Công ty Thủy điện Sơn La là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành 2 nhà máy thủy điện (NMTĐ) lớn là NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu. Đây là 2 nhà máy nằm trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW, gồm 6 tổ máy (6x400MW). Sản lượng thiết kế trung bình hàng năm khoảng 10,246 tỷ kWh (trong đó, có tính sản lượng tăng thêm cho NMTĐ Hòa Bình là 1,27 tỷ KWh). Nhà máy Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW, gồm 3 tổ máy (3x400MW), tổng sản lượng bình quân hàng năm khoảng 4,6 tỷ kWh. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 5/1/2011, hòa lưới tổ máy cuối cùng tháng 11/2016, khánh thành ngày 20/12/2016, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Ngoài nhiệm vụ cung cấp điện, cả 2 nhà máy đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lũ vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa kiệt và phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc.

Về các giải pháp trong công tác PCTT&TKCN năm 2022, ông Hoàng Xuân Phong cho biết, Công ty đã có nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện, góp phần đảm bảo an toàn cho hạ du và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 của đất nước.

Công ty đã kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở tại đập tràn, nguồn điện diesel dự phòng, đảm bảo có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa. Rà soát, đánh giá, sửa đổi, cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai, quy chế phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan (bao gồm cả cơ quan khí tượng thủy văn), cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trên cùng lưu vực để sát với thực tế.

2(7).jpg
Ông Hoàng Xuân Phong, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Đồng thời, rà soát phương án thông tin, liên lạc, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống; tuân thủ thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình, đập, hồ chứa và hạ du. Phối hợp chặt chẽ, cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin theo quy định, chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, thông báo tới người dân ở hạ du trước, trong và sau xả lũ hồ chứa. Kịp thời cung cấp thông tin về vận hành xả lũ hồ chứa cho các cơ quan truyền thông và các cấp chính quyền địa phương.

Phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ du đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình nhằm đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời, ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ du khi xả lũ.

Ông Nguyễn Xuân Phong cũng cho biết, Công ty đã chuẩn bị các biện pháp kỹ thuật đảm bảo trước mùa mưa bão 2022 như lập báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu số 627/BC-TĐSL, 628/BC-TĐSL ngày 13/4/2022 gửi Sở Công thương tỉnh Sơn La, Lai Châu. Thực hiện điều tiết vận hành hồ chứa theo quy trình liên hồ được ban hành theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và Quy trình vận hành hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu ban hành kèm theo quyết định số 4753/QĐ-BCT ngày 24/12/2018, số 2156/QĐ-BCT ngày 22/6/2018 của Bộ Công Thương.

Đồng thời, Công ty thuê cung cấp dịch vụ số liệu 20 điểm đo mưa trên lưu vực hồ Lai Châu, Sơn La, trạm thủy văn Kẻng Mỏ nơi thượng nguồn sông Đà phục vụ dự báo lưu lượng về hồ. Khai thác dữ liệu bản tin dự báo do Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thực hiện để tính toán điều tiết vận hành hồ chứa khai thác tối ưu nguồn tài nguyên nước và đảm bảo an toàn đập.

5.jpg
Ông Trần Hồng Thái và Đoàn công tác khảo sát thực địa tại Nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Thanh Tùng

Hài hòa lợi ích giữa phát điện và đảm bảo an toàn công trình

Để nâng cao hiệu quả phát điện và tận dụng tối đa nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi, tại buổi làm việc, ông Hoàng Xuân Phong đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT có ý kiến với các đơn vị liên quan điều chỉnh Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 về việc Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình về dung tích phòng lũ các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình cho phù hợp với thực trạng, vừa đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ vừa tận dụng tối đa nguồn nước.

Đồng thời, cho phép Công ty nghiên cứu tính toán an toàn đập và hồ chứa thủy điện Sơn La và Lai Châu để đề xuất nâng mực nước dâng bình thường hồ Thủy điện Sơn La từ 215m lên 216m; hồ Thủy điện Lai Châu từ 295m lên 296m. Điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo Quyết định 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 theo hướng điều chỉnh dung tích phòng lũ, mực nước dâng bình thường nêu trên và vận hành theo thời gian thực.

Tại buổi làm việc, ý kiến phát biểu của các thành viên Đoàn công tác đều cho rằng, Công ty Thủy điện Sơn La đã có sự chuẩn bị báo cáo rất bài bản cho cuộc họp; đồng thời, cùng thảo luận về các giải pháp PCTT của Công ty Thủy điện Sơn La năm 2022, cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của Công ty Thủy điện Sơn La.

3(3).jpg
Ông Trần Hồng Thái, Trưởng Đoàn công tác phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Hồng Thái, Trưởng Đoàn công tác cho rằng, những năm qua, NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lai Châu cũng như các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đây cũng là các NMTĐ có vai trò rất lớn trong công tác PCTT, góp phần điều tiết lũ vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa kiệt.

Về kiến nghị cho phép Công ty Thủy điện Sơn La nghiên cứu tính toán an toàn đập và hồ chứa thủy điện Sơn La và Lai Châu để đề xuất nâng mực nước dâng bình thường, Đoàn công tác cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi điều tiết dung tích cắt lũ. Trên tinh thần, làm sao hài hòa được giữa mục tiêu phát điện và mục tiêu bảo vệ thiên tai, bảo vệ an toàn đập, công trình của các NMTĐ. Đoàn công tác sẽ có kiến nghị trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT về nội dung này.

11(2).jpg
Đoàn công tác và lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Lai Châu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thanh Tùng

Đối với kiến nghị điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa, ông Trần Hồng Thái cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận thấy bất cập trong một số nội dung của Quy trình và đã gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh. Hiện nay, Bộ đang giao các đơn vị chức năng tổng hợp ý kiến, sau đó, sẽ trình Chính phủ sửa đổi trong thời gian tới.

Theo Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây