TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


5 tháng triển khai Luật BVMT 2020: Luật BVMT 2020 đặc biệt quan tâm đến môi trường nông thôn (Phần cuối)

80% diện tích lãnh thổ và 67% dân số Việt Nam là thuộc về nông thôn. Áp lực phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến nông - lâm - thủy sản... đang dần có xu thế chuyển dịch về nông thôn. Môi trường nông thôn đang chịu nhiều tác động nghiêm trọng trong việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ các hoạt động này.
 
ấ
Luật BVMT năm 2020, có điều khoản riêng về môi trường nông thôn

Lần đầu tiên vấn đề BVMT nông thôn được tích hợp thành một điều khoản riêng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan và UBND các cấp (Điều 58, Luật BVMT 2020). Tiêu chí môi trường nông thôn được định lượng hóa, phù hợp với đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội của từng vùng, miền, địa phương và cũng có những tiêu chí áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Luật BVMT năm 2020 xem chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn. Thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đầu tư hạ tầng phù hợp; thực hành sản xuất sạch và an toàn; tận thu, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất hoặc thu gom, tái sử dụng, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về BVMT... Cảnh quan, cây xanh, ao hồ, hệ sinh thái nước mặt, các nguồn nước được giữ gìn, bảo vệ, phục hồi và cải tạo; các khu vực ô nhiễm được xác định, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường.

Luật BVMT năm 2020 quy định rõ trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý các loại chất thải, nước thải của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cụm dân cư nông thôn trong các hoạt động dân sinh, kinh tế. Bên cạnh đó, trách nhiệm của UBND các cấp, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT cũng được phân định và quy định chi tiết, cụ thể (tại Khoản 2 Điều 58). Đặc biệt, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tái sử dụng cho các mục đích khác. Với mục tiêu hướng đến là người dân được sống trong môi trường trong lành.

 Luật BVMT năm 2020 nêu rõ trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn trong việc giảm thiểu, phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại nguồn, thu gom và vận chuyển CTR sinh hoạt được phân loại đến đúng nơi quy định (Khoản 1 Điều 60). Quy định CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành CTR có khả năng tái chế, tái sử dụng, chất thải thực phẩm và CTR sinh hoạt khác; đồng thời quy định cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân (Điều 75).  Về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá và dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại (Điều 79). Việc thu phí xử lý CTR sinh hoạt được tính theo khối lượng là dựa trên quan điểm, người gây ô nhiễm phải trả tiền; người nào xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền, nhằm phân loại rác thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

BVMT trong sản xuất nông nghiệp (Điều 61) nhằm hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn môi trường khi quy định rõ các phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định. Luật cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và từng địa phương liên quan đến công tác này. Trong đó, giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách về BVMT nông thôn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT. Thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và cung cấp dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt; hướng dẫn mô hình xử lý CTR sinh hoạt nông thôn; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn...  

Định hướng công tác BVMT nông thôn giai đoạn tiếp theo

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng BVMT nông thôn cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nhiệp theo hướng bền vững, sinh thái, an toàn, thân thiện với môi trường; tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn nông thôn; Thống kê, khoanh vùng, xử lý các khu vực hiện đang bị ô nhiễm, đặc biệt là các khu vực ô nhiễm tồn lưu do chôn lấp chất thải gây ra; Cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, thay đổi tư duy và tập quán chăn nuôi, sinh hoạt; trao quyền và trách nhiệm cho người dân trong xây dựng và giữ gìn cảnh quan nông thôn truyền thống; sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn.

Đẩy mạnh công tác phân loại, thu gom, xử lý CTR mà điểm mấu chốt quan trọng nhất là thực hiện phân loại CTR tại nguồn; Quy hoạch và đầu tư (hoặc kêu gọi đầu tư) các khu xử lý chất thải tập trung, hỗ trợ việc hình thành các cơ sở tái chế chất thải quy mô lớn có sự tham gia của doanh nghiệp (tái chế nhựa, giấy, phân hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, thủy tinh, phế thải xây dựng...). Ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường; Tăng cường quản lý các nguồn nước thải phát sinh trên địa bàn nông thôn, đặc biệt là các nguồn phát sinh từ hoạt động sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản; từng bước áp dụng biện pháp công nghệ kỹ thuật phù hợp để xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, chế biến, nuôi trồng thủy sản... (bằng hình thức tập trung hoặc phân tán);

Quy định về Kiểm toán môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

 Theo ThS. Hà Trần Việt, Viện Khoa học môi trường Lần đầu tiên nội dung về kiểm toán môi trường (KTMT) đã được quy định cụ thể tại Điều 74, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Mục tiêu đặt ra là khuyến khích áp dụng công cụ KTMT tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu BVMT và nâng cao hiệu quả BVMT tại cơ sở. KTMT là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nội dung chính của KTMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải. Bên cạnh những quy định như trên, nội dung về KTMT trong Luật BVMT năm 2020 còn có những quy định phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Luật BVMT năm 2020 quy định khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện KTMT. Việc quy định như trên là phù hợp, không làm ảnh hưởng tới sự phát triển, không tạo thêm gánh nặng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Với việc tự nhận thức được những lợi ích mà KTMT mang lại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sẽ chủ động lựa chọn và áp dụng KTMT như một giải pháp hiệu quả phục vụ quản lý môi trường.
Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây