TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Xuân về nhớ Tết trồng cây

Sinh thời, Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Những năm hoạt động bí mật ở Pắc Bó, những năm kháng chiến gian khổ ở chiến khu Việt Bắc, Bác càng gần gũi, gắn bó với thiên nhiên hơn bao giờ hết: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày... (Cảnh rừng Việt Bắc, 1947).
 

1

Ảnh tư liệu: Bác Hồ trồng cây

Hòa bình lập lại, thấy việc trồng cây sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế thiết thực, Bác viết bài “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực, đăng trên Báo Nhân Dân số 2082, ngày 28/11/1959, khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây. Bác viết: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn”.

Ngày 9/5/1961, ra thăm đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bác khuyên Nhân dân: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho Nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”. Tổng kết 5 năm Tết trồng cây, Bác viết bài “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, kí tên T.L, đăng trên Báo Nhân Dân số 3928, ngày 1/1/1965: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân…”.

Ngay thời ấy, Bác đã thấy tác hại của nạn phá rừng để canh tác mà xót xa: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục đích khác, khác gì đồng bào tự mình đem tiền bỏ xuống sông... Vì vậy, trồng cây gây rừng phải đi đôi với việc bảo vệ rừng tự nhiên”.

Không kêu gọi chung chung, Bác nói là làm để nêu gương cho mọi người làm theo. Bác đã trồng 6 cây đa trong các dịp đón Xuân mới ở các địa phương Bác về thăm và chúc Tết. Nửa thế kỉ trôi qua, cả 6 cây đa đều xanh tốt, rễ chắc, tỏa bóng mát dưới tán lá rộng. Cây đa đầu tiên Bác trồng vào ngày 11/1/1960 tại Công viên Lê-nin (Hà Nội), cây đa cuối cùng Bác trồng trước lúc “đi xa” đúng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969 trên đồi Đồng Vàng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Tây cũ), Bác căn dặn Nhân dân: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên ta phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Mỗi lần đi công tác nước ngoài, Bác thường mang về một loại cây để gây giống, làm phong phú thêm các giống cây trồng. Tháng 5/1966, đi thăm đảo Hải Nam (Trung Quốc), Bác đem về 3 cây cọ dầu trồng trong Phủ Chủ tịch để ngành nông nghiệp nhân giống và trồng nhiều lấy quả ép dầu thực vật cho Nhân dân dùng.

Hưởng ứng lời kêu gọi và noi gương Bác, Tết trồng cây được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia và có kết quả cụ thể. Trong 5 năm đầu (1960 - 1965), miền Bắc trồng được 375 triệu cây các loại, 200 triệu cây bảo vệ đê biển. Năm 1960, về thăm Đồng Hới (Quảng Bình), Bác nói với đồng bào: “Muốn no thì trồng màu, muốn giàu thì trồng cây”. Nghe lời Bác dặn, bà Phạm Thị Nghèng dành cả cuộc đời trồng cây phi lao chắn cát ngoài bãi biển Đồng Hới. 40 năm làm việc không có lương, bà không những trồng, bảo vệ, chăm sóc tốt, mà còn có sáng kiến ươm cây giống bằng đọt cây phi lao, làm các kĩ sư lâm nghiệp phải cảm phục. Ngày 14/11/2000, bà được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động. Bà qua đời ngày 27/10/2002, hưởng thọ 74 tuổi.

Thực tế hiện nay, việc chặt phá rừng tràn lan, để lại những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sinh thái và kinh tế. Tết đến, Xuân về, chúng ta phải đẩy mạnh phong trào trồng cây một cách rộng rãi, mạnh mẽ và liên tục hơn để đất nước đâu đâu cũng một màu xanh như Bác Hồ mong muốn. Đó là học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực.
 

Minh Nguyệt
Theo: ngaymoionline.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây