TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Chiều 18/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hiển, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật.

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, các hoàn toàn đồng tình với việc chuyển đổi từ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành thành sửa đổi toàn diện luật. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, Ban soạn thảo luật trong một thời gian ngắn đã trình Quốc hội một dự thảo luật khá đồ sộ với 171 trang gồm cả Phụ lục và 186 điều.  

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, nội dung của dự thảo Luật mà Chính phủ trình đã khá đầy đủ với nhiều nội dung đổi mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban soạn thảo. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vừa qua đã đặt ra yêu cầu về ý thức bảo vệ môi trường. Do vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này cần có những quy định thúc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

1

Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chiều 18/6

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi làng xã và của toàn xã hội. Luật sửa đổi lần này để động viên, để khuyến khích, để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người chung tay bảo vệ môi trường, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa bảo vệ môi trường, phải kêu gọi được đầu tư theo phương thức PPP tham gia vào hoạt động này và đề Ban soạn thảo sẽ tiếp thu cho hết được những điều đó để sửa đổi.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật này đã hệ thống hóa được một cách khá toàn diện các đối tượng, lĩnh vực, khía cạnh của công tác bảo vệ môi trường. Nhiều điều khoản trong dự thảo luật đã đề cập pháp lý hóa được các chính sách, giải pháp để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay trong công tác này. Rút gọn các thủ tục hành chính trong các quy trình quản lý môi trường hiện hành.

Các đại biểu cũng đánh giá cao Ban soạn thảo cũng đã có cách tiếp cận mới, mạnh dạn đưa thêm nhiều phạm trù mới đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và mục tiêu phát triển bền vững như các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường, kiểm toán môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ngành kinh tế - môi trường, công nghiệp môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, định giá carbon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải carbon, bảo vệ tầng ozone, v.v.. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường được tập trung quan tâm như một bộ công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường, vai trò của các bên liên quan, trong đó có hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường cũng được nhấn mạnh, làm rõ hơn…

2

Đại biểu Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, tranh luận về các vấn đề trong nội của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như vấn đề: Đánh giá tác động môi trường; vấn đề bảo vệ môi trường nước; bảo vệ đa đạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên; đồng tình với các quy định sử dụng công nghệ, thuế, phí bảo vệ môi trường, nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng giảm thiểu chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng đầu tư, kinh phí cho nội dung môi trường để đảm bảo 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường…

Các đại biểu cũng tranh luận về nội dung thanh tra, kiểm tra, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Với chức năng của cảnh sát môi trường là cơ quan có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật tội phạm trong lĩnh vực môi trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng chỉ nên giao cho cơ quan này kiểm tra đối với doanh nghiệp trong những trường hợp mà cơ quan này trực tiếp phát hiện các hành vi vi phạm hoặc là khi có tin báo tố giác tội phạm. 

Còn đối với những hoạt động thanh tra, kiểm tra mang tính chất đột xuất hoặc thường xuyên thì đại biểu Cường thống nhất nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan thanh tra, có chức năng, nhiệm vụ và có trình độ chuyên môn tiến hành theo thủ tục của hoạt động thanh tra, với chức danh là thanh tra viên thì bảo đảm tính chuyên sâu hơn và phù hợp hơn…

Phát biểu tiếp thu tại hội nghị, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, với 132 đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại buổi thảo luận tổ và hơn 20 đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường trong chiều 18/6 vấn đề môi trường luôn được các đại biểu, cử tri quan tâm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, bộ luật này sẽ làm thay đổi được tình trạng môi trường đang ô nhiễm, suy thoái hiện nay và phải đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp xã hội hiện nay, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước, người dân tốt hơn.Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, với những ý kiến tâm huyết, chất lượng, được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng của các đại biểu đã phát biểu cũng như các ý kiến chưa được phát biểu, các đại biểu sẽ gửi đến Ban soạn thảo để Ban soạn thảo tiếp tục cập nhật, bổ sung và hoàn thiện dự án Luật để khi bộ luật này ban hành thì phải mang tính khả thi.

Về các ý kiến cụ thể: Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ nghiên cứu cùng với các cơ quan có liên quan hữu quan, sẽ nghiêm túc nghiên cứu để có việc tiếp thu tốt nhất qua những ý kiến của các đại biểu. Đặc biệt là đặt ra những vấn đề về nâng cao tính khả thi của bộ luật này trong thực tế. Đồng thời để bộ luật này khi ban hành đảm bảo được tầm nhìn để đẩy sức sống của một luật dài hơn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thống nhất rằng, khi luật được ban hành sẽ đảm bảo được tính thống nhất giữa bộ luật này với các bộ luật khác; quy định rõ nguyên tắc đó là một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và các cơ quan khác phối hợp; khi có vấn đề về môi trường xảy ra sẽ xác định được đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm về đến vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, xuyên quốc gia như không khí, nước hoặc một số vấn đề khác như an ninh liên quan đến sinh học thì sẽ được nghiên cứu và mời các chuyên gia nghiên cứu để làm sao thể hiện rõ nét hơn dựa trên tính toán, dự báo cụ thể hơn để luật này có thể hoàn thiện. 

“Với tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ và Quốc hội thì chúng tôi cam kết sẽ cùng các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu, các vị đại biểu Quốc hội sẽ có những ý kiến thật cụ thể, thẳng thắn để làm sao chúng ta thực hiện được chương trình xây dựng văn bản pháp luật.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi lại và phản ánh đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến và hoàn thiện dự thảo luật, gửi xin ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức một Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận và xin ý kiến thêm các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. 

Theo Báo TN&MT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây