TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Bảo vệ hệ sinh thái cho tương lai

Sự sống và sự đa dạng của hệ sinh thái trên Trái đất chính là nền tảng tạo nên sự thịnh vượng và hạnh phúc của loài người. Tuy nhiên, chúng ta lại đang khiến những tài nguyên quý giá này suy thoái một cách đáng báo động.

Năm 2021 là năm được Liên hợp quốc phát động cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái, nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.

Hơn 100 năm qua, con người đã “hăng hái” thu nhặt tài nguyên trên cơ thể Mẹ Trái đất để sinh tồn và phát triển. Để rồi, ngày hôm nay và những thế hệ tiếp sau sẽ phải bắt tay vào hàn gắn và bồi trả lại những gì chúng ta đã lấy (dù chỉ là một phần nhỏ).

Trước hết là với biển. Biển và đại dương nuôi sống chúng ta, điều hòa khí hậu và tạo ra phần lớn lượng oxy mà chúng ta hít thở. Nhưng bây giờ, các đại dương và những vùng ven biển lại đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có trước đây: Hàng triệu tấn rác thải nhựa đang đổ ra biển và các đại dương, gây hại cho các loài sinh vật, phá hủy các rạn san hô và những hệ sinh thái quan trọng khác.
Tiếp đến là các hoang mạc - hệ sinh thái lớn nhất trên thế giới và chiếm khoảng 20% diện tích đất liền trên toàn cầu; Các hệ sinh thái rừng cũng đang phải chịu áp lực nặng nề từ tình trạng gia tăng dân số và nhu cầu cần thêm đất đai và các nguồn tài nguyên. Tính trên toàn cầu, con người chúng ta đang xóa sổ khoảng 7 triệu hecta rừng nhiệt đới mỗi năm.Chính vì thế, việc phục hồi các đại dương và vùng ven biển có nghĩa là giảm áp lực lên các hệ sinh thái này để chúng có đủ thời gian phục hồi, cả theo cách tự nhiên lẫn tái nuôi cấy giống hoặc cấy ghép các loài chủ chốt. Các chất gây ô nhiễm phải được xử lý trước khi chúng được xả thải ra đại dương và những chất thải rắn như nhựa cần phải được loại bỏ hoàn toàn. Hoạt động phát triển các thành phố ven biển cần đi đôi với công tác bảo vệ, chứ không phải là thay thế những hệ sinh thái ven biển. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quản lý một cách thận trọng và tích cực khôi phục các rạn san hô, rừng ngập mặn và các thảm cỏ biển để các đại dương có thể tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn cầu.

Phân bổ tại hơn 180 quốc gia, đất than bùn là hệ sinh thái siêu mạnh mẽ với vai trò vô cùng quan trọng. Mặc dù chúng chỉ chiếm 3% diện tích đất liền trên thế giới, nhưng chúng dự trữ gần 30% lượng các-bon trong đất. Chúng có các chức năng quan trọng như kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn lũ lụt và hạn hán và cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho nhiều người. Đây cũng là nơi sinh trưởng của những loài thực vật và động vật quý hiếm chỉ có thể sống sót trong những môi trường sũng nước độc nhất này.

Hoạt động bảo vệ và khôi phục vùng đất than bùn có thể là một giải pháp bảo vệ thiên nhiên có chi phí thấp, sử dụng ít công nghệ nhưng lại tác động lớn đến cả hành động bảo vệ hậu và sự đa dạng sinh học.

Các hệ sinh thái nước ngọt cũng đang bị suy thoái hết sức trầm trọng. Các con sông phải chịu thêm ảnh hưởng từ việc xây dựng đê đập, kênh đào và hoạt động khai thác cát sỏi. Các vùng đất ngập nước đang bị rút cạn để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, với khoảng 87% diện tích đã biến mất trên toàn cầu trong 300 năm qua và hơn 50% diện tích đã biến mất kể từ năm 1900. Một phần ba loài sinh vật nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Công tác bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái nước ngọt bao gồm việc cải thiện chất lượng nước, chẳng hạn như bằng cách xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Hoạt động đánh bắt cá và khai khoáng phải được kiểm soát. Có thể dỡ bỏ các con đập hoặc thiết kế tốt hơn để khôi phục sự kết nối sông ngòi, đồng thời cần quản lý hoạt động khai thác nguồn nước để duy trì lưu lượng tối thiểu. Việc trả lại dòng nước vào vùng đất than bùn và những vùng đất ngập nước khác cho đến khi đạt mức tự nhiên sẽ giúp khôi phục khả năng ngăn chặn lượng các-bon lưu trữ thải vào khí quyển.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã luôn quan tâm đến việc phục hồi hệ sinh thái bằng nhiều chương trình, dự án cụ thể như phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên…

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, khai thác tài nguyên vô độ đang khiến con người rơi vào tình trạng nguy hiểm do chính mình gây ra. Bởi thế, Chương trình thập kỷ khôi phục hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc là một cơ hội giúp xoay chuyển tình thế cũng như mang đến cho con người và thiên nhiên một tương lai bền vững.

Khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái cho tương lai là một mệnh lệnh từ trái tim với mỗi cá nhân để hành tinh mãi xanh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây