Quản lý tài nguyên nước theo Luật bảo vệ môi trường 2020

Thứ năm - 01/04/2021 03:57
Để kiểm soát hiệu quả nguồn tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã đề cập đầy đủ, toàn diện về quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, giải quyết được những yêu cầu của thực tiễn hiện nay về công tác Bảo vệ môi trường nước.
1
Ảnh minh họa


Thách thức của tài nguyên nước tại Việt Nam

Về tài nguyên nước dưới đất, theo số liệu quan trắc từ năm 1990 đến nay, tài nguyên nước dưới đất của nước ta đang bị suy thoái. Mực nước dưới đất bị hạ thấp độ sâu liên tục tại đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và Tây nguyên. Đặc biệt, tại một số đô thị tập trung đông dân cư, nguồn nước dưới đất bị khai thác vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần. Khai thác nước tập trung quy mô dẫn đến hạ thấp mức nước ngầm, xâm nhập mặt diễn ra nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu long và cũng được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.

Đối với nước mặt, mặc dù đã có nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai để bảo vệ môi trường nước các dòng sông, nhưng tình trạng nước sông bị ô nhiễm ở nhiều thành phố lớn vẫn ngày một nghiêm trọng. Hầu hết các đô thị đều tập trung ven các con sông lớn, khai thác nước và xả nước thải qúa tải gây ô nhiễm hầu hết các dòng sông. Ngoài ra, nhu cầu xây dựng đô thị, nhà ở, kết cấu hạ tầng tăng cao, cũng làm gia tăng nhu cầu cát sỏi cho xây dựng. Khai thác cát sỏi nóng gây xói lở bờ sông và phát tán chất ô nhiễm làm suy giảm chất lượng nước, tác động rất lớn đến môi trường thủy sinh.

Những năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ, cải thiện môi trường nước, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Đến nay, một số lưu vực sông điểm nóng ô nhiễm đã giảm như: lưu vực sông Thị Vải, Đồng Nai, Sài Gòn... Chất lượng nước ở một số khu vực đã tạm thời được cải thiện, nhưng chậm và không bền vững. Thực trạng này diễn ra do một số nguyên nhân như: Ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; hoạt động quan trắc, đánh giá môi trường nước và phòng chống suy thoái, ô nhiễm nguồn nước chưa tương xứng với yêu cầu để phục vụ công tác quản lý; mạng lưới trạm quan trắc, giám sát môi trường nước còn thiếu, chưa đồng bộ, công nghệ và thiết bị lạc hậu nên chưa đảm bảo chủ động, kịp thời kiểm soát vấn đề ô nhiễm các nguồn nước; việc kiểm soát nguồn thải còn chưa hiệu quả do thiếu nguồn lực cả ở Trung ương và địa phương; hệ thống quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường nước giữa các bộ, ngành còn chưa đồng bộ và còn giao thoa, chưa thống nhất…

Quy định mới về BVMT nước trong Luật BVMT sửa đổi năm 2020.

Thứ nhất, Luật bảo vệ môi trường đã bổ sung quy định bảo vệ môi trường nước sông, phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước. Quy định mới này khá toàn diện, thể hiện đầy đủ các thành phần cấu thành môi trường nước, cũng như mối tương quan giữa các thành phần của môi trường nước. Quy định này cũng thể hiện rõ nguyên tắc quản lý môi trường nước sông phải theo không gian từ thượng lưu đến hạ lưu. Quy định này cũng thống nhất với Luật Tài nguyên nước năm 2012 về tiếp cận nguyên tắc quản lý tài nguyên nước theo hướng thống nhất: theo lưu vực sông, theo nguồn nước và kết hợp theo địa bàn hành chính.

Thứ 2, Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của nguồn nước. Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án đầu tư mới, có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải. Trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng không làm phát sinh thêm nước thải. 

Hiện nay, môi trường nước ở nhiều khu vực đã bị ô nhiễm không còn khả năng chịu tải, nhưng hàng ngày vẫn phải nhận một lượng lớn nước thải từ nhiều dự án đầu tư mới. Do vậy, quy định này là cơ sở pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi loại hình, công nghệ sản xuất phù hợp, đưa ra các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường tốt nhất. Đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường. Quy định này đã nêu rõ định hướng, quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường.

Thứ 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cụ thể về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt bao gồm: việc đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải và xác định các mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải. Đây là một trong những nội dung quan trọng và đóng vai trò chủ đạo phục vụ công tác bảo vệ môi trường nước.

Thứ 4, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh; UBND tỉnh có trách nhiện xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn. Quy định này vừa giải quyết được vấn đề chồng chéo trong công tác quản lý liên ngành, vừa đảm bảo sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây