Hiện đại hóa để "bắt mạch ông trời”: Chia sẻ dữ liệu tăng sức mạnh dự báo thiên tai

Thứ ba - 14/07/2020 03:00
Dữ liệu khí tượng thủy văn (KTTV) cần phải được xác định đúng với tính chất thực tế là nguồn tài nguyên số, một trong những dữ liệu “đầu vào” quan trọng để xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương.

Thiên tai năm 2020 khốc liệt, khó lường

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2020, được nhận định là một trong những năm nóng hơn trung bình, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai KTTV năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, địa chất, quy hoạch… để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất.

Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, từ cuối tháng 3/2020, Tổng cục KTTV đã chủ động có Công văn số 391 gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị sẵn sàng cung cấp bổ sung thông tin dự báo, cảnh báo chi tiết cho các khu vực đặc thù, nhất là các dự báo sớm, chi tiết cho địa bàn cụ thể cùng các yếu tố KTTV cần dự báo, phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh.

1

Chia sẻ dữ liệu KTTV phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Triển khai thi hành Nghị định số 48/2020 sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV và các văn bản quan trọng do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành liên quan tới công tác dự báo KTTV phục vụ Phòng chống thiên tai, Tổng cục KTTV cũng khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các ngành, lĩnh vực liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch xác định các phân vùng rủi ro thiên tai tại các khu vực có tuyến đường cao tốc đi qua; đánh giá, xác định và hoàn thiện hệ thống trạm thủy văn theo cấp báo động lũ và mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ…

Tổng cục KTTV đã tổ chức tiếp nhận thông tin phản hồi từ Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân về chế độ phát tin, chất lượng và độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo; tăng cường việc thu nhận thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai để tổ chức dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả...

Chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác dự báo

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, xu thế hợp tác quốc tế hội nhập, quy mô tăng trưởng, phát triển kinh tế của quốc gia đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác KTTV. Vì vậy, để tăng cường công tác KTTV phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống thiên tai, Tổng cục KTTV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai.

“Khoa học cũng như thực tiễn cho thấy, muốn dự báo được, ngoài những thông tin KTTV thì cần thiết phải có nhiều thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan, tác động tới điều kiện KTTV”, ông Trần Hồng Thái cho hay.

Tổng cục KTTV cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động KTTV, từ đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia dự báo KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mạnh dạn cho phép thí điểm hợp tác công - tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện ngành KTTV đang được quản lý, sử dụng.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ cần lưu ý xem xét có đầu mối kiêm nhiệm, bố trí cán bộ có hiểu biết, kinh nghiệm về KTTV của đơn vị để theo dõi, đánh giá và tích hợp các vấn đề về thông tin, dữ liệu KTTV trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực.

“Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hà Nội nắm bắt và tổng hợp nhu cầu sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo KTTV; từ đo, xây dựng và phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo chuyên đề đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông tin dự báo KTTV. Đài sẵn sàng liên kết với cơ sở dữ liệu của các đơn vị trên địa bàn có nguồn dữ liệu KTTV để tăng cường nguồn số liệu quan trắc thời gian thực”.
Ông Phạm Văn Hanh, Trưởng phòng Mạng lưới trạm và Thông tin KTTV

Theo Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây