Thích ứng  BĐKH, Giảm KNK đi vào pháp luật bảo vệ môi trường

Thứ hai - 30/11/2020 11:15

Với những quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, khung chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được bổ sung, hoàn thiện hơn theo hướng tận dụng những lợi thế, cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế đất nước. Luật cũng quy định về việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn. Với con số lên tới 55 điểm được quy định hoàn toàn mới trong cả một Chương IV cua Luật Bảo vệ môi trường (sủa đổi) đã cho thấy tầm quan trọng của hoạt động ứng phó BĐKH và giảm KNK trong mụa tiêu bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Thích ứng BĐKH, giảm KNK trở thành pháp chế!

Trước đó, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã luật hóa công tác ứng phó BĐKH với 24 khoản trong 10 điều của Chương IV. Tuy nhiên, một số nội dung đang chồng lấn với các điều khoản trong các chương khác của Luật như nghiên cứu khoa học, quản lý chất thải… và một số quy định vẫn chưa cụ thể.

Chương VII về ứng phó BĐKH của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020 gồm 7 điều và 30 khoản. Điểm khác biệt lớn là trong các khoản có tới 55 điểm, trong khi Luật 2014 chỉ có 8 điểm. Đáng chú ý, Luật đã quy định cụ thể các vấn đề thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó xác định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và địa phương.

Trong bối cảnh Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, Luật BVMT sửa đổi đã đưa “Thích ứng BĐKH” là điều đầu tiên trong chương VII, quy định các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động và tận dụng những cơ hội do BĐKH mang lại.

Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức đánh giá tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư; xây dựng, triển khai hệ thống giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng BĐKH. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH, định kỳ 5 năm rà soát, cập nhật; hệ thống giám sát và đánh giá cấp quốc gia các hoạt động thích ứng; tiêu chí xác định dự án đầu tư, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu.

Các cơ quan sẽ hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia.

Các cơ quan cũng phối hợp với UBND cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị; tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại BĐKH và định kỳ hằng năm tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ TN&MT. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng cấp ngành, cấp địa phương trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.

Về giảm nhẹ phát thải KNK, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, cập nhật 2 năm một lần. Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục trên; định kỳ xây dựng báo cáo kiểm kê KNK cấp quốc gia 2 năm một lần và hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê và kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK đối với lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê.

Luật cũng quy định, Bộ quản lý lĩnh vực, cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê KNK có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê KNK và gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, 5 lĩnh vực phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK hằng năm là: năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê KNK cấp quốc gia, cấp ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; kiểm tra việc thực hiện các hoạt động liên quan đến giảm nhẹ phát thải KNK trong phạm vi quản lý.

Về bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam là thành viên; Ban hành danh mục và hướng dẫn sử dụng các chất này và chủ trì, phối hợp với các Bộ, UBND cấp tỉnh quản lý, kiểm soát, giảm thiểu sử dụng và loại trừ, đồng thời, tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền quản lý thực hiện kiểm soát hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, tiêu thụ các chất gây hiệu ứng nhà kính.

Luật cũng quy định các cơ sở sản xuất phải xây dựng lộ trình phù hợp để thay thế, loại bỏ chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính kiểm soát thuộc điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn; cơ sở sử dụng phải thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện chuyển đổi công nghệ bảo vệ tầng ô-dôn được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật này và pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Lồng ghép ứng phó BĐKH vào chiến lược, quy hoạch

Luật BVMT sửa đổi quy định, chiến lược, quy hoạch thuộc danh mục đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH. Kịch bản BĐKH và tác động của BĐKH được sử dụng trong xác định mục tiêu dài hạn. Các giải pháp ứng phó được lồng ghép vào các nội dung của chiến lược, quy hoạch và kết quả phân tích, đánh giá các giải pháp ứng phó được sử dụng trong việc xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Bộ TN&MT sẽ xây dựng, cập nhật và hướng dẫn khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý gửi Bộ TN&MT.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã cụ thể hóa trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong ứng phó biến đổi khí hậu

Công tác báo cáo về ứng phó BĐKH được thực hiện hằng năm và Bộ TN&MT định kỳ 5 năm xây dựng báo cáo quốc gia về BĐKH trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tham gia triển khai thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật BVMT sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây