PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ tại LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Thứ sáu - 05/08/2022 02:42
Sáng nay 5.8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (5.8.2002 - 5.8.2022). Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài phát biểu chào mừng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các thế hệ ngành Tài nguyên và Môi trường.

- Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

- Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

- Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương,

- Kính thưa các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ,

- Thưa các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế,

- Thưa các quý vị đại biểu,

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ Tại LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG -4
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu

Hòa chung với không khí hào hùng của đất nước trong những ngày tháng 8 lịch sử, hướng tới kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2.9, hôm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (5.8.2002 - 5.8.2022).

Trong niềm vui hân hoan và tự hào, thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và bạn bè quốc tế đã dành sự quan tâm và những tình cảm nồng ấm, thắm thiết cho Bộ.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ Tại LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG -0
Các đại biểu tại buổi Lễ

Đặc biệt, chúng tôi rất xúc động nhận được Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với những lẵng hoa tươi thắm của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đây là những tình cảm thân ái, sự quan tâm đặc biệt, nguồn cổ vũ, động viên lớn của Lãnh đạo Đảng nhà nước dành cho Bộ.

Xin nhiệt liệt chào đón các đồng chí Lãnh đạo Bộ, các lĩnh vực tiền thân, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc qua các thời kỳ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu của ngành về dự buổi Lễ.

Trân trọng chào mừng các cơ quan thông tấn, báo chí đã đến dự và đưa tin.

Thưa các quý vị đại biểu,

Ngày này cách đây đúng 20 năm, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11, theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Tổng cục: Địa chính, Khí tượng Thủy văn và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường thuộc các Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Ra đời gần như cùng thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất 2002 thông qua Tuyên bố Johannesburg về phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đa ngành đầu tiên của nước ta, thực hiện thống nhất quản lý tổng hợp các tài nguyên đặc biệt, nguồn lực quý giá của quốc gia (đất đai, nước, khoáng sản…), không gian sinh tồn và môi trường sống của các thế hệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ Tại LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG -1
Quang cảnh buổi Lễ

Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thể hiện qua những dấu mốc lớn như sau:

Ngay từ khi mới thành lập, trong một thời gian ngắn trên cơ sở kế thừa và phát huy bề dày truyền thống của những lĩnh vực tiền thân như đất đai, khoáng sản, khí tượng thủy văn, Bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy; củng cố, phát triển nền tảng quản lý đa ngành từ trung ương đến địa phương.

Với phương châm hướng về địa phương cơ sở, người dân, doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói của thực tiễnBộ đã tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật quan trọng về tài nguyên và môi trường, chủ trì, phối hợp tham mưu ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về đất đai, Luật Đất đai 2003, Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật sửa đổi một số Điều của Luật Khoáng sản, tạo lập hành lang pháp lý cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường phân cấp cho địa phương; hoàn thiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, của công dân trong bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách một bước thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thí điểm cơ chế "một cửa" "một cửa liên thông", Bộ thường xuyên tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế chính sách. Việc thắt chặt kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc tạo ra sự chuyển biến tích cực trong từng lĩnh vực được Nhân dân, doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao.

Trong giai đoạn đất nước phải đương đầu với khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Bộ đã thực hiện chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa để phát huy nguồn lực tài nguyên, từng bước nâng cao giá trị đóng góp cho ngân sách, tạo thêm xung lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được hoàn thiện, đưa tài nguyên và môi trường trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Trong đó, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản dưới luật được ban hành đã góp phần giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển.

Bảo vệ môi trường được chú trọng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình dự án. Cũng chính từ thời điểm này, mô hình phát triển bền vững đã được quan tâm, thúc đẩy, làm tiền đề cho con đường phát triển tiếp theo của đất nước.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ Tại LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG -2


Trong giai đoạn này, lần đầu tiên, nước ta có Luật Đa dạng sinh học, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu với những quan điểm mới được tiếp thu từ quốc tế, vừa đáp ứng được tính thời sự, hội nhập, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước về phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái; ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, đánh dấu bước hội nhập mới của Việt Nam với quốc tế.

Về chức năng nhiệm vụ, Bộ tiếp tục được giao bổ sung chức năng quản lý nhà nước về địa chất, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo.

Khi thế giới bước vào thời kỳ tăng cường ứng phó với thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, nước ta cũng đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” (phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái) sang “xanh” (sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, phát thải thấp), phát triển bền vững kinh tế biển.

Bộ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành quyết sách tổng thể, toàn diện, xác lập vai trò đặc biệt quan trọng về quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với đó, các Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đất đai, Nghị quyết số 36-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật Khí tượng thủy văn 2015, Luật Đo đạc và bản đồ 2018…đã được ban hành, thiết lập hệ thống chủ trương, hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, không gian sinh tồn và bảo vệ môi trường cho phát triển. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Bám sát phương châm kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hội nhập biến thách thức thành cơ hội, Bộ đã đổi mới tư duy làm chính sách chuyển từ thắt chặt quản lý bằng công cụ hành chính sang áp dụng các công cụ kinh tế, tạo lập môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy doanh nghiệp và người dân thực hiện; đặc biệt, chú trọng phân tích dự báo các xu thế quốc tế trong điều kiện hội nhập, đánh giá các tác động để chính sách không chỉ giải đúng và trúng các vấn đề đặt ra từ quản lý mà còn tạo dư địa, động lực mới cho phát triển.

Môi trường và khí hậu đã trở thành một trong những trọng tâm, nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong các chủ trương, quyết sách phát triển đất nước với vai trò là vừa mục tiêu vừa là động lực dẫn dắt. Tư duy bảo vệ môi trường đã chuyển bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái.

Các nguồn tài nguyên đã được quản lý tổng hợp, sử dụng hiệu quả, đa mục đích, đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước; lợi thế về biển được phát huy, các địa phương có biển đã trở thành trung tâm phát triển động lực. Chất lượng dự báo, cảnh báo thời thiết, thiên tai ngày càng được nâng lên cao, với đủ độ chi tiết, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển. Công tác phân giới cắm mốc đã góp phần xây dựng hòa bình, ổn định khu vực biên giới.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ Tại LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG -3


Chuyển đổi số được đẩy mạnh trên nền tảng tài nguyên số, dữ liệu lớn về thông tin địa lý, dữ liệu đất đai, dữ liệu viễn thám,..hướng tới phát triển kinh tế số ngành tài nguyên và môi trường. Cải cách thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy giảm khâu trung gian, quy trình hóa các khâu trong giải quyết thủ tục và hiện đại hóa nền hành chính được triển khai đồng bộ gắn với quản lý điều hành trên môi trường mạng.

Chủ động hội nhập, đóng góp nhiều sáng kiến toàn cầu, khu vực về môi trường, khí hậu. Tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP21 và đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tuyên bố các nhà chính trị về sử dụng đất và lâm nghiệp, tham gia Liên minh toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu tại COP26. Tham gia 100 khuôn khổ hợp tác đa phương và có 90 đối tác hợp tác song phương về tài nguyên, môi trường và khí hậu, trong đó có nhiều khuôn khổ hợp tác, chúng ta đóng vai trò chủ động, dẫn dắt. Đây là những điểm nhấn trong bức tranh hội nhập của đất nước với quốc tế về môi trường và khí hậu, qua đó khẳng định vị thế, mang lại cho Việt Nam những lợi ích “kép” từ cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh, thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Trong 20 năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước và cho ngành đã ghi được nhiều dấu ấn quan trọng, các trung tâm đào tạo gồm các viện, trường đại học, trường đào tạo bồi dưỡng đã hình thành và khẳng định được vị trí trong hệ thống đào tạo của đất nước.

Những nỗ lực cố gắng của Bộ đã được các tổ chức độc lập và người dân ghi nhận thông qua tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng tăng hàng năm đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường.

Để ghi nhận những nỗ lực và đóng góp đối với sự phát triển đất nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từng lĩnh vực và nhiều cán bộ đã vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh....

Với quốc tế, nhiều cán bộ quản lý và khoa học của Bộ đã tham gia và có những đóng góp quan trọng đối với các tổ chức quốc tế chuyên ngành; chúng ta tự hào đã có những nhà khoa học xuất sắc được vinh danh tại châu Á và thế giới cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác do các nước bạn trao tặng.

Thưa các quý vị đại biểu,

Những thành tựu to lớn đạt được trong chặng đường 20 năm qua là nhờ Bộ đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, sự đồng hành của bạn bè và đối tác quốc tế.

Đặc biệt, đây chính là nền tảng được tạo dựng từ tinh thần đoàn kết, tận tâm, trách nhiệm, lao động tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo lĩnh vực; những nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo, không ngừng vượt khó, thậm chí hy sinh xương máu, của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ vùng biên cương đến hải đảo xa xôi; là sự kết hợp hài hòa giữa bản lĩnh đổi mới, tinh thần sáng tạo với tri thức thời đại.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Bộ ngày hôm nay bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự tri ân sâu sắc những công lao, đóng góp to lớn của các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, Lãnh đạo các cơ quan tiền thân và các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động đi trước đã tận tâm cống hiến cho ngành.

Thưa các các quý vị đại biểu,

Nhìn lại quá trình phát triển, chúng ta tự hào nhận thấy, mặc dù có tuổi đời ˝trẻ˝ nhưng Bộ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta luôn ý thức được rằng những kết quả vừa qua chỉ là khởi đầu trong tiến trình phát triển bền vững, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức to lớn đang đặt ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử: tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, hệ sinh thái ngày càng suy giảm, thậm chí có nguy cơ sụp đổ, dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát. Đời sống kinh tế - xã hội thế giới, vì thế, cũng đang thay đổi nhanh chóng với việc hình thành “luật chơi mới” về đầu tư, thương mại cùng với xu thế không thể đảo ngược về “phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang sạch, tái tạo, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái.

Hơn ai hết, chúng ta phải thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là về mô hình phát triển phải dựa trên khả năng cung ứng của hệ sinh thái và phù hợp với các quy luật tự nhiên, chuyển từ khai thác sang đầu tư phục hồi tài nguyên tự nhiên, tăng cường khai thác, sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo; thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn... Đây là sự nghiệp của toàn dân, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với cách tiếp cận toàn diện.

Phát huy hào khí của truyền thống 20 năm của Bộ và truyền thống gần 100 năm của các lĩnh vực tiền thân, tôi mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ hôm nay trên từng cương vị công tác sẽ phát huy tinh thần nhiệt huyết của những người tiên phong, tạo lan tỏa trong toàn xã hội để mỗi người dân, doanh nghiệp cùng thống nhất hưởng ứng và tích cực tham gia. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể cùng cộng đồng quốc tế chuyển hóa thành công được những thách thức nghiêm trọng, vượt qua khủng hoảng kép, góp phần đưa đất nước tiến bước trên con đường phát triển bền vững.

Thưa các quý vị đại biểu,

Là một cán bộ có quá trình trưởng thành gắn liền với tiến trình xây dựng và phát triển của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hôm nay, tôi rất xúc động khi gặp lại các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ và các lĩnh vực tiền thân. Ánh mắt, câu nói của các chú, các anh, các chị đều thể hiện sự quan tâm, trăn trở và tâm huyết với công việc đồng thời cũng là sự gửi gắm trách nhiệm cho thế hệ hôm nay.

Đây chính là nguồn cổ vũ động viên to lớn cho cá nhân tôi và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, để chúng tôi quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa xứng đáng với truyền thống, sự tin tưởng và gửi gắm của các thế hệ đi trước.

Với niềm phấn khởi, tự hào, đặc biệt là với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân; sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng ngành tài nguyên và môi trường sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Một lần nữa, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin chân thành cảm ơn và kính chúc đồng chí Phạm Minh Chính, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và bạn bè quốc tế sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Xin được tri ân và kính chúc các đồng chí lãnh đạo Bộ, các lĩnh vực tiền thân, các công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ và gia đình dồi dào sức khỏe.

Xin trân trọng cảm ơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây