Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tuyệt đối không được chủ quan ứng phó với cơn bão số 4

Thứ năm - 29/08/2019 07:15
Chiều 28/8/2019, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An để triển khai công tác ứng phó với bão số 4. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cùng các thành viên Ban chỉ đạo.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: Sáng sớm nay (28/8) bão Podul đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2019. Bão có khả năng sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào khoảng chiều tối đến đêm ngày 30/8, sức gió đạt cấp 8 - 9, giật cấp 10 – 11. Tại khu vực ven biển các tỉnh này, độ cao mực nước dâng do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều có thể đạt mức 3,6 – 4,3m với cường độ bão cấp 10 đổ bộ và từ 3 – 3,7m, với cường độ bão cấp 8 đổ bộ. Khu vực Bắc Biển Đông có sóng cao 4 – 6m, vùng biển ngoài khơi vịnh Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ có sóng cao 3 – 5m, khu vực ven bờ sóng cao 2 – 3m.
Hoàn lưu bão rộng và có khả năng gây mưa sớm, tương tự cơn bão số 3. Mưa lớn sẽ tập trung ở Trung Bộ từ đêm mai 29/8 đến ngày 1/9. Ở Bắc Bộ, mưa lớn kéo dài đến ngày 2/9. Dự báo lượng mưa tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có thể đạt khoảng 250 – 400mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ đạt 200 -300mm; khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế khoảng 100 – 200mm; khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ, Đà Nẵng khoảng 50 – 120mmm.
Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 – 3 ở thượng lưu sông Mã, sông Cả. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở Trung bộ và Bắc Bộ.
2
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết dự báo bão (Ảnh: Khánh Ly)
Đánh giá về cơn bão số 4, ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết: Với tốc độ tiếp cận vào bờ rất nhanh, càng vào gần bờ thì cường độ bão càng tăng, thời gian đi nhanh hơn. Do bão xảy ra đúng dịp nghỉ lễ Ngày Quốc khánh mùng 2/9, khu vực chịu ảnh hưởng của bão là vùng dân cư đông đúc và có nhiều khách du lịch lưu trú nên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần hết sức cảnh giác và chủ động trong công tác chuẩn bị phòng chống bão.
Thêm vào đó, hoàn lưu bão có khả năng gây mưa lớn diện rộng ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đây là những vùng có lớp thực bì và lớp đất bề mặt bị tổn thương trong thời gian qua, có nơi vừa chịu thiệt hại sau bão số 3 nên cần phải đặc biệt chú trọng lên phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, di dời người dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
3
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Khánh Ly)
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tuyệt đối không được chủ quan; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão; chủ động triển khai các phương án ứng phó, đặc biệt là phương châm bốn tại chỗ. Tránh chủ quan cho rằng bão không quá mạnh, vùng này đang hạn hán, thiếu nước mà không chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Đối với trên biển, tất cả địa phương ven biển phối hợp cùng lực lượng biên phòng tuyến biển, ngành thủy sản đều phải chỉ đạo rà soát, kiểm đếm tàu thuyền trước khi cơn bão đổ bộ; hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch, công trình hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội trên các đảo.
Đối với khu vực ven biển, chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu; có phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; gia cố bảo vệ đê điều, công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp nhà máy...
Đối với khu vực miền núi, trung du cần chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động bố trí lực lượng hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập.
Triển khai lực lượng, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết khi mưa lũ lớn.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ động phối hợp lực lượng với các địa phương, các quân khu, các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn tiếp tục theo dõi chặt để dự báo một cách chính xác nhất diễn biến mưa bão.
Các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tiếp tục phản ánh diễn biến bão, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó có hiệu quả với cơn bão số 4, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước; đồng thời cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Theo monre.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây