Miền núi phía Bắc đang ở thời kỳ cao điểm mùa mưa lũ

Thứ hai - 27/07/2020 22:00
Theo ông Trần Quang Năng - Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tại khu vực Bắc Bộ, những tháng 7, 8, 9 là cao điểm mùa mưa, đặc biệt là các tỉnh vùng núi. Do vậy, hiện các tỉnh này đang ở thời kỳ cao điểm mùa mưa lũ.

Các tỉnh miền núi phía Bắc vừa trải qua đợt mưa to, mưa to đến rất to, nhiều nơi đã xảy ra dông mạnh lốc, sét và sạt lở đất gió giật mạnh (từ ngày 19-21/7), đặc biệt là tại Hà Giang.

Lý giải nguyên nhân chính gây ra mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Hà Giang, ông Năng cho biết, là do quá trình phát triển của hệ thống áp cao cận nhiệt đới. Mùa này, hệ thống áp cao cận nhiệt đới bắt đầu phát triển và lấn về phía Tây, kết hợp với đó là đới gió Tây Nam phía vịnh Bengal đi lên, tạo thành vùng hội tụ gió lên đến độ cao 5.000 m ở khu vực vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc; trong đó trọng tâm là ở tỉnh Hà Giang.

1

Các tỉnh miền núi phía Bắc đang ở thời kỳ cao điểm mùa mưa lũ. Ảnh minh họa

Điều kiện này rất thuận lợi cho các đám mây phát triển và gây mưa lớn. Tại TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang), mưa đặc biệt lớn. Cụ thể, lượng mưa từ 19 giờ ngày 20 đến 19 giờ ngày 21/7 đạt tới 347 mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất ở TP Hà Giang, theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay.

Theo ông Năng, tại các tỉnh miền Bắc, những tháng 7, 8, 9 là cao điểm mùa mưa, đặc biệt là các tỉnh vùng núi. Như vậy, các tỉnh này đang ở thời kỳ cao điểm mùa mưa lũ.

Hiện các tỉnh miền núi phía Bắc lại bước vào đợt mưa lớn được dự báo sẽ kéo dài hơn đợt mưa lớn lần trước bắt đầu từ ngày 26/7 và không loại trừ khả năng xảy ra một số điểm mưa cục bộ rất lớn gây ra lũ quét và sạt ở đất.

Về diễn biến tình hình bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), ông Năng dự báo, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong nửa cuối năm nay có khả năng ở mức xấp xỉ so trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể, khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, cũng cần đề phòng khả năng xuất hiện giông, sét, lốc, mưa đá trên toàn quốc; gió mạnh trên biển vào tháng 8 ở vùng biển phía Nam biển Đông; gió Đông Bắc của không khí lạnh trên khu vực phía Bắc biển Đông vào tháng 12.

Trong khi đó, các đợt nắng nóng còn xảy ra ở khu vực Bắc, Trung Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ nhưng không gay gắt. Không khí lạnh khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa đông năm 2020-2021 thấp hơn so mùa đông năm 2019-2020.

“Tại miền Bắc, năm nay mùa đông đến sớm và lạnh hơn năm ngoái”, ông Năng nhận định.

Cũng theo ông Năng, nguồn nước ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 8 đến 12, trên các lưu vực sông tiếp tục thiếu hụt so TBNN từ 30%-40%, hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 40%-70%. Ở Trung Bộ, Tây Nguyên, nửa cuối tháng 7 đến tháng 8, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ. Khô hạn, xâm nhập mặn khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt nghiêm trọng hơn ở ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận.

Đối với khu vực Nam Bộ, lũ trên sông Mê Kông đến muộn, từ cuối tháng 7 đến tháng 10, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mê Kông khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 15%-30%. Trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn TBNN nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019-2020.

Nguồn Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây