Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam

Thứ ba - 15/09/2020 21:19

Chiều 14/9, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường có buổi tiếp và làm việc của Bộ trưởng Trần Hồng Hà với ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam. Hai bên trao đổi về chính sách Phục hồi xanh của châu Âu và thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

w 3

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam

Tham dự buổi làm việc có Đại sứ Cộng hòa Áo, Đại sứ Vương quốc Bỉ, Đại sứ Cộng hòa Séc, Đại sứ Cộng hòa Pháp, Đại sứ Cộng hòa Hy Lạp, Đại sứ Cộng hòa Italia, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan, Đại sứ Vương quốc Thụỵ Điển, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về chính sách Phục hồi xanh của châu Âu và thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

3

Ông Giorgio Aliberti Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà những nội dung hai bên cùng quan tâm

Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống đại dịch COVID-19 cũng như từng bước phục hồi lại nền kinh tế.

Theo ông Giorgio Aliberti, EU nhận định rằng phục hồi kinh tế - xã hội đang và sẽ là thách thức vô cùng to lớn đối với toàn thế giới do các tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng sẽ là cơ hội để thay đổi các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng giảm phát thải. Liên minh Châu Âu đã đưa ra chính sách Phục hồi xanh và xây dựng một quỹ hơn 1.000 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia thực hiện mục tiêu này.

Với cương vị là Chủ tịch ASEAN và là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris, EU mong muốn Việt Nam đồng hành cùng EU thực hiện mục tiêu này” - Ông Giorgio Aliberti đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Giorgio Aliberti chia sẻ về mục tiêu đầy tham vọng của EU khi tới năm 2050 sẽ cân bằng khí thải, trong đó sẽ chú trọng đầu tư để chuyển đổi các mô hình năng lượng. Ông Giorgio Aliberti mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ về những nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Trao đổi với ông Giorgio Aliberti cùng các Đại sứ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đã chủ động xây dựng các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và đặc biệt là Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành và thực hiện đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu và được Chính phủ giao nhiệm vụ sửa đổi các nội dung trong Luật Bảo vệ môi trường theo hướng tăng cường chất lượng môi trường, đảm bảo môi trường là một trụ cột vững chắc hơn bên cạnh các trụ cột phát triển kinh tế và xã hội, nhằm thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững theo các chỉ tiêu của SDGs.

Bộ trưởng cho biết, với những nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/7/2020.

3

Các đại sứ cùng trao đổi tại buổi làm việc

Nhắc lại buổi làm việc với hai Đại sứ Anh và Italia, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm khoảng 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (tương đương 83,9 triệu tấn CO2). Mức đóng góp này có thể được tăng lên đến 27% (tương đương 250,8 triệu tấn CO2) khi nhận được các cam kết quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris trên cơ sở các bên tham gia cùng đạt được mục tiêu chung.

Về chính sách Phục hồi xanh của châu Âu, Việt Nam hoan nghênh cam kết phục hồi xanh của EU, trong đó đặt Thỏa thuận xanh làm trọng tâm cho các nỗ lực của châu Âu. Việt Nam sẽ đồng hành cùng EU trong vấn đề này.

Đồng thời, Bộ trưởng cảm ơn và đề nghị EU tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên các ngành công nghệ cao, phát thải cácbon thấp; công nghệ thân thiện môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái, đặc biệt là tài nguyên rừng vì còn thiếu cơ chế chính sách tài chính để hỗ trợ người dân tham gia giữ rừng.

5

Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc

Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ trưởng khẳng định “Việt Nam luôn là đối tác tin cậy và đang chủ động đi đầu trong các cơ chế hợp tác, diễn đàn khu vực và thế giới. Đồng thời với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến và đề xuất để hiện thực hóa các thỏa thuận và đóng góp của ASEAN trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris”.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lựa chọn những mục tiêu phát triển ưu tiên và là cầu nối để để đưa ra các vấn đề hợp tác giữa Nhà nước với Nhà nước, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để các bên đạt các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây