Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Thứ ba - 25/05/2021 03:27
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã công bố có ca mắc bệnh. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định được ban hành.

Theo đó, tiếp tục và thường xuyên chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hướng dẫn của Chính quyền địa phương và các Công văn của Bộ số 2018/BTNMT-VP ngày 29/4/2021 và số 2057/BTNMT-VP ngày 04 tháng 5 năm 2021 về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Lưu ý việc cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cơ bản như hạn chế sử dụng điều hòa, luôn để môi trường làm việc thông thoáng.

Tăng cường phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh quy trình làm việc nội bộ nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; sẵn sàng phương án tổ chức công việc trong trường hợp đơn vị có công chức, viên chức, người lao động được yêu cầu cách ly.

Xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, bố trí luân phiên lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị làm việc theo hình thức trực tuyến tại nhà cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, để khi có tình huống dịch bệnh tại cơ quan, có lực lượng đảm bảo cho các các hoạt động chỉ đạo, điều hành thông suốt.

Quán triệt tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, tự cách ly theo quy định đối với các trường hợp đang ở hoặc đã di chuyển đến các địa điểm, khu vực, địa phương có dịch, đồng thời phải tự chủ động báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị và y tế địa phương để có hướng dẫn.

Yêu cầu các trường hợp đã đến hoặc ở thành phố Đà Nẵng từ ngày 01/5 đến 14/5/2021 đã quay trở về Hà Nội phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 21 ngày (tính kể từ ngày cuối cùng rời Đà Nẵng), đồng thời chủ động đề nghị cơ sở y tế địa phương tiến hành xét nghiệm cho bản thân.

Chỉ đạo lập ngay danh sách, báo cáo Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ để tổng hợp) đối với các trường hợp F0, F1, F2, F3 đã được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định và công bố (hoặc cung cấp cho đơn vị); đồng thời thông báo trong nội bộ đơn vị và cho các thủ trưởng các đơn vị khác trực thuộc Bộ để có hướng dẫn đối với các trường hợp khác đã tiếp xúc với các trường hợp F0, F1, F2 công bố chính thức.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH TRONG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRONG TRƯỜNG HỢP CÓ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NHIỄM COVID-19 HOẶC TIẾP XÚC VỚI F0, F1, F2

Trường hợp công chức, viên chức, người lao động được cơ quan y tế xác định và công bố chính thức là F0, F1, F2, F3

Khi được xác định nhiễm Covid-19 (F0):
Đối với công chức, viên chức, người lao động: tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của cơ quan y tế về xét nghiệm, phác đồ điều trị, cách li; giữ ổn định tâm lý; thông báo ngay cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị và thường xuyên báo cáo về tình hình sức khỏe, quá trình điều trị, đồng thời thông báo cho F1 về tình trạng của mình.

Đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị: báo cáo ngay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ, đồng thời chỉ đạo tất cả công chức, viên chức, người lao động có tiếp xúc với F0 ở yên tại chỗ để chờ hướng dẫn của cơ quan y tế và chính quyền địa phương; rà soát, lập danh sách gửi về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ).

Khi được xác định là F1:
Đối với công chức, viên chức, người lao động: phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi sinh sống và thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cung cấp lịch sử dịch tễ, tiếp xúc. Cách ly tại khu vực được quy định của Bộ Y tế theo cập nhật trong từng giai đoạn phòng dịch; đồng thời báo cho F2 về tình trạng của mình.

Đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị: báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ, đồng thời chỉ đạo rà soát tất cả công chức, viên chức, người lao động có tiếp xúc với F1, hướng dẫn thực hiện như Khoản c, Mục này; rà soát, lập danh sách gửi về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ).

Khi được xác định là F2:
Đối với công chức, viên chức, người lao động: phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi sinh sống và thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cung cấp lịch sử dịch tễ, tiếp xúc. Cách ly tại nhà 21 ngày; đồng thời báo cho F3 về tình trạng của mình. Theo dõi thông tin F1 của mình: (i) trường hợp F1 chuyển sang F0 thì phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi sinh sống để có hướng dẫn sau đó thực hiện như Khoản b, Mục này; (2) trường hợp F1 âm tính, F2 có thể giải phóng và tự theo dõi sức khỏe.

Đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị: báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ, đồng thời chỉ đạo rà soát tất cả công chức, viên chức, người lao động có tiếp xúc với F2, hướng dẫn thực hiện như Khoản d, Mục này; rà soát, lập danh sách gửi về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ). Việc có quyết định giao nhiệm vụ cho F2 để làm việc trực tuyến tại nhà thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Khi được cơ quan y tế xác định là F3:
Đối với công chức, viên chức, người lao động: phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi sinh sống và thủ trưởng cơ quan, đơn vị; tự theo dõi sức khỏe; báo cho F4 về tình trạng của mình. Theo dõi thông tin F2 của mình: (i) trường hợp F2 chuyển sang F1 thì phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi sinh sống để có hướng dẫn sau đó thực hiện như Khoản c, Mục này; (2) trường hợp F1 của F2 âm tính thì có thể giải phóng và tự theo dõi sức khỏe.

Đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị: rà soát, lập danh sách gửi về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ). Việc có quyết định cho F3 nghỉ để làm việc trực tuyến tại nhà thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Đối với công chức, viên chức, người lao động nghi ngờ mình đã tiếp xúc với F0, F1

Trường hợp nghi ngờ tiếp xúc với F0:
Đối với công chức, viên chức, người lao động: khi biết thông tin về trường hợp F0 mà bản thân nghi ngờ có tiếp xúc thì phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi sinh sống và thủ trưởng cơ quan, đơn vị để được hướng dẫn. Thông báo cho các công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân khác mà bản thân đã tiếp xúc trong thời gian từ khi tiếp xúc với F0. Đồng thời không được tiếp xúc với ai kể từ thời điểm biết thông tin về F0 đến thời điểm thông báo chính thức của cơ quan y tế có thẩm quyền hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Trường hợp bản thân được cơ quan y tế xác định là F1/F2/F3 thì thực hiện tương ứng theo nội dung tại Khoản b/c/d Mục 1 nêu trên; trường hợp không thuộc diện F1/F2/F3 thì tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, báo ngay cho cơ quan y tế và thủ trưởng đơn vị nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mệt mỏi...

Đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị: yêu cầu công chức, viên chức, người lao động báo ngay cho cơ quan y tế; không được tiếp xúc với ai và cho tạm nghỉ làm đến khi có thông báo chính thức của cơ quan y tế có thẩm quyền. Báo cáo Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ) đồng thời chỉ đạo rà soát tất cả công chức, viên chức, người lao động có tiếp xúc gần với với cá nhân nghi ngờ nêu trên để tiến hành theo dõi, lập danh sách.

Trường hợp cá nhân nghi ngờ nêu trên được cơ quan y tế xác định là F1/F2/F3 thì thực hiện các nội dung tương ứng tại Mục 1 nêu trên. Trường hợp cá nhân nghi ngờ nêu trên cơ quan y tế xác định không thuộc diện F1/F2/F3 thì yêu cầu cá nhân tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà; việc có quyết định giao nhiệm vụ để làm việc trực tuyến tại nhà thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Trường hợp nghi ngờ tiếp xúc với F1:
Đối với công chức, viên chức, người lao động: khi biết thông tin về trường hợp F1 (được cơ quan y tế công bố chính thức) mà bản thân nghi ngờ có tiếp xúc thì phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi sinh sống và thủ trưởng cơ quan, đơn vị để được hướng dẫn. Thông báo cho các công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân khác mà bản thân đã tiếp xúc trong thời gian từ khi tiếp xúc với F1. Đồng thời không được tiếp xúc với ai kể từ thời điểm biết thông tin về F1 đến thời điểm thông báo chính thức của cơ quan y tế có thẩm quyền hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Trường hợp bản thân được cơ quan y tế xác định là F2/F3 thì thực hiện tương ứng theo nội dung tại Khoản c/d Mục 1 nêu trên; trường hợp không thuộc diện F2/F3 thì tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, báo ngay cho cơ quan y tế và thủ trưởng đơn vị nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mệt mỏi...

Đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị: yêu cầu công chức, viên chức, người lao động báo ngay cho cơ quan y tế và không được tiếp xúc với ai, cho tạm nghỉ làm đến khi có thông báo chính thức của cơ quan y tế có thẩm quyền. Báo cáo Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ) đồng thời chỉ đạo rà soát tất cả công chức, viên chức, người lao động có tiếp xúc gần với với cá nhân nghi ngờ nêu trên để tiến hành theo dõi, lập danh sách.

Trường hợp cá nhân nghi ngờ nêu trên được cơ quan y tế xác định là F2/F3 thì thực hiện các nội dung tương ứng tại Mục 1 nêu trên. Trường hợp cá nhân nghi ngờ nêu trên không được cơ quan y tế xác định xác định thuộc diện F2/F3 thì yêu cầu cá nhân tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày; việc có quyết định giao nhiệm vụ để làm việc trực tuyến tại nhà thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai đồng thời các hoạt động sau:
Văn phòng Bộ/đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc thông báo ngay cho các đơn vị trong Bộ về trường hợp F0, F1, F2 (qua group zalo/viber được lập) và báo cáo Lãnh đạo Bộ; thông báo ngay tới cơ quan y tế và chính quyền địa phương phong tỏa ngay khu làm việc/tòa nhà nơi F0 đang công tác.

Văn phòng Bộ/đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức khử khuẩn tất cả các tòa nhà, khu làm việc của Bộ, đặc biệt là khu vực bị phong tỏa khi có F0 hoặc F1.

Toàn bộ công chức, viên chức, người lao động trong trụ sở nơi F0 công tác tạm thời ở tại cơ quan hoặc tại nhà, nghiêm cấm di chuyển, tiếp xúc để tránh lây nhiễm tiếp và chờ xác minh lịch sử đi lại, tiếp xúc của F0.

Văn phòng Bộ/đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc phối hợp với thủ trưởng đơn vị và cơ quan y tế xác minh lịch sử đi lại, tiếp xúc của người bị nhiễm, xác định F1, F2, F3.

Dựa trên các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, Văn phòng Bộ/đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc phối hợp với cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm đối với F2, F3; phân loại cách ly tập trung và cách ly tại nhà; địa điểm cách li tập trung do cơ quan y tế chỉ định.

Nếu F0, F1 có lịch sử đi lại, tiếp xúc với các cơ quan ngoài Bộ thì Văn phòng Bộ thông báo cho các cơ quan liên quan để có phương án phòng chống lây nhiễm theo quy định.

Trong trường hợp Trụ sở số 10 Tôn Thất Thuyết bị phong tỏa hoặc trụ sở các cơ quan, đơn vị khác bị phong tỏa thì thực hiện theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 10/4/2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong trường hợp có công việc cấp bách, bắt buộc cần giải quyết ngay mà khu vực làm việc bị phong tỏa, thủ trưởng phải cử ít nhất 2 người của đơn vị trực, sẵn sàng làm việc và sinh hoạt trong khu vực phong tỏa (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đối với trụ sở số 10 Tôn Thất Thuyết, thủ trưởng đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc quyết định đối với toà nhà/trụ sở được giao).

Văn phòng Bộ/Đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc sẵn sàng bảo đảm phục vụ hậu cần, thực phẩm, trang thiết bị y tế phòng dịch để tiếp tế cho cán bộ làm việc và sinh hoạt trong khu vực trụ sở bị phong tỏa.

Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì, phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan thống nhất cung cấp kịp thời thông tin chính thức cho báo chí.

Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường bảo đảm phương tiện làm việc, phương tiện thông tin liên lạc phục vụ các đơn vị, cán bộ làm việc trong điều kiện phải di chuyển hoặc làm việc trực tuyến.

Văn phòng Bộ/đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc Bộ sẵn sàng bố trí xe và lái xe trực chuyên trách để phục vụ công tác phòng chống dịch, đưa đón cán bộ bị nghi nhiễm đến cơ sở y tế, cơ sở cách li; đồng thời bố trí trang thiết bị y tế phòng dịch cho lái xe và cán bộ.

Văn phòng Bộ/Đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc sẵn sàng phương án bảo vệ an ninh, an toàn trụ sở, cơ sở vật chất, hồ sơ tài liệu trong khu vực bị phong tỏa; cử đủ người trực trong và ngoài khu vực phong tỏa.

Sau khi trụ sở nơi F0 công tác được dỡ phong tỏa thì Văn phòng Bộ/Đơn vị được giao phụ trách tòa nhà/trụ sở làm việc liên hệ với cơ quan y tế và chính quyền địa phương để được hướng dẫn thời điểm cho phép công chức, viên chức, người lao động quay lại làm việc.

Thủ trưởng các đơn vị tùy theo mô hình tổ chức, trụ sở làm việc để ban hành văn bản cụ thể hóa các bước phòng chống dịch Covid-19./.

Triển khai các ứng dụng thông minh để kết nối, trao đổi thông tin nhanh, cập nhật kịp thời diễn biến mới của dịch giữa các thủ trưởng đơn vị và triển khai ngay các kịch bản ứng phó của Bộ khi có các trường hợp F0, F1, F2, F3 là cán bộ của đơn vị.

Yêu cầu tất cả công chức, viên chức, người lao động nếu sử dụng điện thoại thông minh phải cài đặt và kích hoạt sử dụng ứng dụng Bluezone; lập tổ kiểm tra và tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc cài đặt, sử dụng ứng dụng. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ kiểm tra để tiến hành định kỳ, đột xuất việc này tại tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện, đồng thời phổ biến văn bản này đến toàn thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc và toàn thể công chức, viên chức, người lao động./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây