Bến Tre: Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 1.660 tỷ đồng

Thứ năm - 09/07/2020 02:45
Ngày 8/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng Đoàn công tác của Quốc hội có buổi làm việc tại tỉnh Bến Tre về tình hình an ninh nguồn nước; công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Theo đó, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có 27.985 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống tại huyện Chợ Lách, 168 ha hoa màu, 3.097 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 1.660 tỷ đồng. Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, thiệt hại do xâm nhập mặn năm 2019-2020 gây ra là rất lớn, tác động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. 

Nước mặn cũng tác động đến lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đô thị, du lịch, cấp nước sinh hoạt... Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến bị ảnh hưởng nặng nề. Tác động “kép" của hạn mặn và dịch Covid-19 làm cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm của tỉnh Bến Tre bị âm.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, mặc dù tỉnh Bến Tre có trữ lượng nước mặt lớn, tuy nhiên, do giáp biển và có 4 cửa sông lớn, nguồn nước ngọt phụ thuộc vào mùa mưa và nguồn nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến thiếu nước ngọt vào mùa khô và thừa nước ngọt vào mùa mưa. 

Trữ lượng nước ngầm của tỉnh Bến Tre lớn nhưng đa số bị nhiễm mặn. Do vị trí địa lí, địa chất của tỉnh, việc khai thác nước ngầm không được khuyến khích. Trong khi đó, hệ thống công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư, nhưng đến nay chưa hoàn chỉnh, chưa được khép kín…

Để đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của nhân dân, tỉnh Bến Tre kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước khu vực ĐBSCL. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bố trí vốn Trung ương khoảng 250 tỷ đồng để Bến Tre đầu tư tiếp các hồ chứa nước ngọt quy mô 1,5 triệu m3 phục vụ cho 3 huyện ven biển. Đồng thời, xem xét bố trí vốn để Bến Tre triển khai đầu tư tiếp các hạng mục còn lại dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre… 

750

Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát Nhà máy xử lý và cung ứng nước sạch Kênh Lấp, huyện Ba Tri

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Bến Tre là một trong 13 tỉnh khu vực ĐBSCL ảnh hưởng rõ nét nhất tác động của biến đổi khí hậu. Bến Tre được hình thành từ các dải cù lao được bao bọc bởi 4 con sông lớn và hàng nghìn kênh, rạch chằn chịt. 

Vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng đến Bến Tre gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Trong thời gian qua, hệ thống thủy lợi được Trung ương quan tâm đầu tư và đến 2023 sẽ giải quyết cơ bản việc thiếu nước ngọt. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, tỉnh Bến Tre sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tỉnh Bến Tre cần phối hợp với Bộ, ngành liên quan quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi và các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn tính cả giải pháp trước mắt và lâu dài; bảo vệ chất lượng nguồn nước tránh tình trạng ô nhiễm. 

Việc vận hành hệ thống thủy lợi phải nhịp nhàng, hợp lý gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa; thay đổi tập hoán sản xuất, chuyển đổi ngay cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện hạn, mặn như hiện nay...

Trước đó, Đoàn công tác của Quốc hội đã đi kiểm tra thực tế tại công trình hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri), công trình cống đập Ba Lai (nối hai huyện Bình Đại và Ba Tri), Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch Kênh Lấp (huyện Ba Tri). 

Theo Báo TN&MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây