Dự báo kịp thời những thay đổi của bão số 7, cảnh báo sớm cơn bão số 8

Thứ bảy - 09/10/2021 10:08
Dự báo kịp thời những thay đổi của bão số 7, cảnh báo sớm cơn bão số 8
 Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại cuộc họp thảo luận về bão số 7 và mưa lớn diễn ra chiều tối ngày 9/10.
1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

Dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái; các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục và kết nối trực tuyến đến các Đài KTTV khu vực.

Chiều mai, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 19 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 7 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc huyện đảo Bạch Long Vĩ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 19 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

1

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp

Bão số 7 kết hợp không khí lạnh gây mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nay (9/10), bộ phận không khí lạnh đã báo ở phía Bắc vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo đêm nay (9/10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hoàn lưu cơn bão số 7 nên từ chiều nay (9/10) đến 12/10, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Trong ngày 10-11/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ.

Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh.

Trong chiều và tối nay (9/10), trên vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh; ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

Từ chiều nay đến ngày 10/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10. Từ chiều đến đêm mai (10/10), ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.

Khu vực Hà Nội: Từ chiều tối nay đến ngày 11/10, có mưa to đến rất to. Từ ngày mai (10/10), trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ.

1

Quang cảnh cuộc họp

Nguy cơ sạt lở đất vùng núi

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ hôm nay (9/10) đến ngày 12/10, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ 3-5m, trên các sông khu vực Bắc Bộ từ 2-4m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu các sông khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu các sông chính ở khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị, đặc biệt tại các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Hà Nội, Hải Phòng.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cho biết, ngay sau cơn bão số 7 sẽ xuất hiện cơn bão số 8. Dự báo, cơn bão số 8 sẽ có nguy cơ tác động mạnh hơn cơn bão số 7 và tác động vào ngay các khu vực đang bị ảnh hưởng của cơn bão số 7.

Các bản tin dự báo có độ tin cậy cao

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Đài KTTV đồng bằng Bắc Bộ cho biết, hiện tại toàn bộ mạng lưới của Đài KTTV đồng bằng Bắc Bộ đã được kích hoạt, cung cấp các bản tin theo quy định và các bản tin chuyên đề phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó của các tỉnh. Hiện rủi ro lớn nhất của bão số 7 đối với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ là gây thiệt hại với diện tích lúa chưa thu hoạch. Theo báo cáo, khu vực này mới chỉ thu hoạch được khoảng 30%, nếu mưa lớn sẽ gây thiệt hại lớn. Các tỉnh cũng đã có chỉ đạo người dân thu hoạch. Bên cạnh đó, khu vực cũng có nhiều công trình xây dựng trọng điểm đang xây dựng như ở tỉnh Nam Định, mưa gió lớn cũng gây rủi ro lớn. Hiện nay, các tỉnh có biển đều đã cấm biển. Các tỉnh đã có kế hoạch dự kiến chủ động di dời dân khi cần thiết, như Nam Định sẵn sàng phương án di dời dân cư một khu vực ven biển.

Lãnh đạo Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ cho biết, trong 24 giờ qua, thời tiết khu vực Bắc Trung Bộ không có mưa. Các hồ chứa trong khu vực ở mức an toàn. Hiện các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thu hoạch lúa gần hết, chỉ có Thanh Hóa còn vài chục ha, do vậy nếu có mưa lớn cũng không lo lắng. Đài cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về cả máy móc, thiết bị và con người.

Lãnh đạo Đài KTTV khu vực Việt Bắc thống nhất với các dự báo doTrung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đưa ra. Đồng thời cho biết, trong 24 giờ qua, thời tiết khu vực mới có mưa nhỏ rải rác. Theo dự báo, các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái sẽ có lượng mưa lớn. Trên sông suối xuất hiện một đợt lũ, sông suối nhỏ có thể BD1. Đài đã đưa ra cảnh báo cho Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc về hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp. Đài cũng thường xuyên chỉ đạo các đài địa phương cung cấp số liệu quan trắc phục vụ công tác chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.

1

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, từ kết quả dự báo cơn bão số 5, số 6, tiếp tục phát huy công tác dự báo cảnh báo tác động để phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bám sát thực tế tại địa bàn, tư vấn cho địa phương bằng việc đưa ra các dự báo điểm cho các khu vực trọng yếu.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, với cơn bão số 7 này, các cơ quan khí tượng quốc tế đưa ra khá nhiều mô hình dự báo phân tán, tuy nhiên Tổng cục KTTV đã có sự thống nhất về số liệu quan trắc nên đảm bảo tốt công tác dự báo phục vụ. Đồng thời, biểu dương tinh thần sẵn sàng của các Đài KTTV khu vực. Đặc biệt là Đài Cao không đã nhanh chóng khắc phục được sự cố trong thời gian dịch Covid-19 của Trạm khí tượng Ra đa Vinh; Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã xác định các cơ sở có người F1, F0 và có bản tin dự báo là rất tốt, cần tiếp tục thực hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, trong những ngày qua, cơ quan KTTV đã ra các bản tin dự báo về quỹ đạo, cường độ cơn bão số 7, đến giờ này, có thể khẳng định các bản tin dự báo của chúng ta có độ tin cậy cao, giúp các địa phương tổ chức tốt công tác phòng chống. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp của cơn bão số 7, với nhiều lần thay đổi, cần đặc biệt chú ý đến việc đưa ra các bản tin dự báo cảnh báo kịp thời.

Hoan nghênh tinh thần làm việc của các Đài KTTV khu vực, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch Covid-19 ở các địa phương đã có chiều hướng giảm nên các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xây dựng. Các Đài KTTV khu vực cần quan tâm, có những dự báo điểm, cảnh báo kịp thời đến Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh về tác động của mưa, gió bão đến các công trình trọng điểm của địa phương. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai những ngày tới đang có diễn biến phức tạp, cơ quan KTTV cần có cảnh báo sớm về cơ bão số 8, để các địa phương chủ động trong công tác phòng chống.

Theo Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây