Chủ động dự báo và có giải pháp ứng phó kịp thời với hạn, mặn

Thứ tư - 03/06/2020 01:36

Có thể nói biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với chúng ta đã từng dự báo. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay. Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn,  thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt....như chúng ta đã thấy. Điều đó cũng chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của BĐKH, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường.

1

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh

Chính tác động nhanh, mạnh và trực tiếp của biến đổi khí hậu như vậy nên mỗi quốc gia cần thiết quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cơ quan quản lý tài nguyên nước đã xác định 6 giải pháp để nâng hiệu quả quản lý nguồn tài nguyên nước đang rất dễ bị tổn thương. Đó là:

Thứ nhất, xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, đặc biệt là lưu vực sông Hồng, Cửu Long.

Thứ hai, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát vệc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.

Thứ ba, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Thứ tư, giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 LVS quan trọng đã được TTg ban hành.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng nước tiêt kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư.

Thứ sáu, thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Đồng thời, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước từ trung ương đến các cấp ở địa phương.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước năm nay xảy ra trên diện rất rộng, trải dài từ từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long và có diễn biến hết sức phức tạp. Lượng mưa cũng như lượng dòng chảy trên các sông, suối trên phạm vi cả nước là rất thấp so với trung bình nhiều năm, hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngaytrong mùa mưa, lũ năm 2019.Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40-75% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70-80%, nhiều hồ chỉ đạt 40-50%. Riêng hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích hơn 6 tỷ m3 đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trong suốt gần 30 năm vận hành.

Các tỉnh ở ĐBSCL tiếp tục chịu ảnh hưởng gay gắt bởi xâm nhập mặn. Sau thời điểm này, độ mặn có suy giảm nhưng còn duy trì ở mức cao trên sông Cửu Long.

Riêng khu vực sông Vàm Cỏ (Long An), sông Cái Lớn (Kiên Giang), vùng Cà Mau độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào thời kỳ đầu tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 4, sau đó giảm dần.

Hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Mùa mưa trên sông Mê Công và ĐBSCL nhiều khả năng sẽ đến muộn; khu vực này ít có khả xuất hiện mưa trái mùa trên diện rộng cùng với diễn biến dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công như hiện nay cho thấy trong thời gian tiếp theo của tháng 3 và tháng 4, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL không được cải thiện. Do đó, nền mặn ở cửa sông Cửu Long tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn và vùng Cà Mau duy trì ở mức cao đến hết tháng 4; sau đó mới giảm dần.

2

Ứng phó với hạn, mặn cần những giải pháp căn cơ lâu dài liên quan đến quản lý tài nguyên nước

Trước tình hình thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy nêu trên, ngay từ đầu mùa lũ năm 2019 (giữa năm), trên cơ sở dự báo, cảnh báo và nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo cho các địa phương trên phạm vi cả nước và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo. Đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lượng nước cho các mục đích sử dụng nước từ Bắc Bộ đến Đông Nam Bộ cho mùa cạn năm 2020.

Đối với khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, ngay từ khi kết thúc mùa lũ năm 2019 (tháng 9), trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước và nhận định sẽ xảy ra tình trạng các hồ chứa lớn sẽ thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng và kéo theo là vấn đề an ninh năng lượng trên phạm vi cả nước, nhất là vào thời kỳ nắng nóng và nhu cầu điện tăng cao vào tháng 5, tháng 6. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ hồ chứa để họp bàn, thống nhất các phương án điều chỉnh việc vận hành các hồ chứa theo từng giai đoạn cụ thể (cuối mùa lũ, đầu mùa cạn; đầu mùa cạn; trước các đợt xả nước gia tăng và từ nay đến các tháng cuối mùa cạn) theo hướng sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước. Chính vì vậy, trong những đợt cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân vừa qua đã bảo đảm cấp đủ nước cho vụ Đông Xuân và đến nay, nguồn nước còn lại trong các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang có thể bảo đảm đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là sự chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai thực hiện rất tốt nên thiệt hại cho hạn mặn mùa khô năm nay đã được giảm thiểu và tính đến nay khoảng trên 60% diện tích lúa Đông Xuân đã được thu hoạch. Chính vì vậy, mặc dù đến thời điểm hiện tại, mức độ hạn, xâm nhập mặn vẫn diễn ra phức tạp nhưng mức độ thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể. Có thể nói rằng, bước đầu cho thấy, đây cũng là một thắng lợi trong công tác chống hạn, xâm nhập mặn của nhân dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, diễn biến xâm nhập mặn ở một số tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tra, Vĩnh Long, Tiền Giang,…vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, cần thiết phải có thêm nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa.

Đối với các lưu vực sông thuộc khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo hết sức gắt gao các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Quản lý tài nguyên nước trong công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình khí tượng, thủy văn. Trong đó đã đôn đốc, chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia – Thu bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Đồng Nai,… để góp phần vừa cấp nước cho hạ du vừa bảo đảm đủ nguồn nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn, nhất là chuẩn bị bước vào thời kỳ nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước, sử dụng điện tăng cao. Mặc dù từ cuối mùa lũ, đầu mùa cạn, 11 lưu vực sông đều xảy ra tình trạng thiếu nước, nguồn nước các hồ chứa là rất hạn chế như đã nói ở trên nhưng tính đến nay, về tổng thể chỉ còn một vài lưu vực vẫn còn nguy cơ thiếu nước nhưng nếu được điều tiết hợp lý thì vẫn có thể đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước, như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai),… Chúng tôi đã trình lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.

Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du; đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không cấp tới được.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch Tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương,… 

Tài nguyên nước nước ta là hữu hạn và đang đối mặt rất nhiều thách thức lớn và có nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước mà hệ quả của nó là đe dọa đến đời sống dân sinh, ổn định kinh tế - xã hội. Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để thay đổi nhận thức sâu, rộng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước, điều đó sẽ làm giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Nguồn Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây