Lùi thời gian thu tiền cấp quyền khoáng sản và tài nguyên nước: Số tiền cấp quyền khoáng sản thực chất đã thu gần đủ

Thứ sáu - 01/11/2019 20:47
Không có vấn đề về lợi ích nhóm khi mà số tiền thu tiền cấp quyền khoáng sản thực chất đã thu được tới 90%  còn số tiền thu tiền cấp quyền tài nguyên nước chỉ là trong dự tính.

 

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, chiều ngày 22 tháng 10 năm 2019, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ, trong đó có nội dung về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Việc này hiện đang được dư luận quan tâm khi có ý kiến cho rằng, Nhà nước đã mất hơn 5000 tỷ vì không có văn bản hướng dẫn và liệu có vấn đề lợi ích nhóm khi lùi thời gian thu tiền cấp quyền này?

1

Khai thác khoáng sản mỏ Núi Pháo (ảnh minh họa)

Số tiền cấp quyền khoáng sản thực chất đã thu gần đủ

Theo báo cáo giải trình Quốc hội, Bộ TN&MT đã cho biết: Về tổng số tiền dự tính (5000 tỷ) cho tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013) và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (giai đoạn từ 01/01/2013 đến 31/8/2017)  về thực chất trong quản lý khai thác khoáng sản  đã thu gần đủ. Còn đối với tài nguyên nước chỉ là con số dự tính nếu như đưa quy định tính quyền cấp quyền vào thực hiện (song trên thực tế do chậm ra Nghị định quy định cụ thể nên không thể tính là nguồn thất thoát, bởi lẽ giá của việc cấp phép khai thác tài nguyên nước đã tính đủ khi cấp phép cho doanh nghiệp).

Cụ thể: Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (dự tính khoảng 2.800 tỷ). Con số này là tổng hợp của tổng số gần 5000 Giấy phép khai thác phải thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 là 2, 5 năm) được chia làm 3 loại như sau:

Trong khoảng gần 5000 Giấy phép có khoảng 80% Giấy phép có thời hạn khai thác ngắn, dưới 5 năm, được thu 1 lần và thu sau khi Nghị định 203 có hiệu lực (sau năm 2013). Như vậy, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2,5 năm nêu trên của 80% giấy phép không mất đi và đã được thu hết.

Có khoảng 12% số lượng Giấy phép có thời hạn trên 5 năm, được cấp phép trong giai đoạn 2,5 năm nói trên phải mất từ 1-3 năm để xây dựng cơ bản mỏ (nên chưa có sản lượng khai thác). Do vậy trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hầu như còn nguyên tại thời điểm Nghị định 203 có hiệu lực. Và số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các mỏ này hầu như không mất đi và được thu lần đầu sau khi Nghị định 203 có hiệu lực.

 Phần các mỏ còn lại phải thu tiền (chiếm khoảng 8% của 5000 Giấy phép nêu trên) đang khai thác từ trước thì có sản lượng khai thác chiếm khoảng 3,5 % trữ lượng phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giai đoạn 2,5 năm)  khoảng 150 tỷ. Như vậy, thực chất phần trữ lượng còn lại phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các mỏ nêu trên (chiếm trên 94%) được thu hết lần đầu và các năm tiếp theo (khi Nghị định 203 đã có hiệu lực).

Trong số 3,5% sản lượng của các mỏ nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản chi phí được trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập của doanh nghiệp. Nếu truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ làm giảm lợi nhuận, giảm số thuế thu nhập của doanh nghiệp tương ứng. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đã quyết toán và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách cho các kỳ trước đây.

Như vậy, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2,5 năm nêu trên khoảng 2.800 tỷ là con số dự tính (nếu được tính tại thời điểm đó). Tuy nhiên, sau khi Nghị định 203 có hiệu lực thì đã được thực hiện như đã nêu trên, trong đó có trên 90% số tiền dự tính nêu trên đã được thu sau năm 2013.

Đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (dự tính khoảng 2.200 tỷ). Mặc dù, Luật tài nguyên nước quy định việc nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng để thực hiện thu được thì phải có Nghị định quy định cụ thể mới có thể tính toán, thu được (đây không phải là trường hợp cá biệt mà là phổ biến trong hệ thống pháp luật hiện nay). Nghị định số 82 không hồi tố, không quy định việc tính toán xác định số tiền truy thu. Do đó, số tiền ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng được tính toán sơ bộ trên cơ sở áp dụng các quy định của Nghị định để tính ngược trở lại trước. Đây thực chất chưa phải khoản thu ngân sách đã được xác định mà chỉ là dự tính.

Chậm ra văn bản có nhiều nguyên nhân “bất khả kháng”

Thời điểm trình dự án Luật Khoáng sản (năm 2010) và Luật Tài nguyên nước (năm 2012), hồ sơ trình thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Theo đó, Luật này không quy định trong hồ sơ trình dự án Luật phải có văn bản quy định chi tiết. Trong quá trình xây dựng các Luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã thực hiện nhưng chưa toàn diện, cụ thể (riêng đối với quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu được hình thành trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Khoáng sản). Ngay sau khi các Luật được ban hành, mặc dù Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương xây dựng các dự thảo Nghị định, nhưng có những nguyên nhân khách quan đã không lường trước được hết về những khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp khi xây dựng phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, cụ thể như sau:

Đối với tài nguyên khoáng sản: Theo quy định của Luật Khoáng sản, các thông số tính tiền là trữ lượng và chất lượng của từng mỏ, từng loại khoáng sản. Tại thời điểm xây dựng Nghị định có hơn 400 Giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương) và gần 4.000 Giấy phép (thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương) đã cấp qua nhiều thời kỳ (có mỏ cấp phép trước đó 50 năm) theo nhiều cơ chế, quy định quản lý khác nhau (trước năm 1989 là Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản; từ năm 1996 là Luật Khoáng sản, sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản vào năm 2005).

2

Khai thác than mỏ Đèo Nai (ảnh minh họa)

Để bảo đảm tính khả thi của phương pháp tính sau khi Nghị định ban hành, thông số để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng và chất lượng khoáng sản phải được xác định. Trong khi đó, nội dung của gần 5000 Giấy phép nêu trên phần lớn chỉ ghi công suất khai thác, không có trữ lượng, chất lượng khoáng sản (do nhiều mỏ ở địa phương khi cấp phép chưa thăm dò, chưa đánh giá trữ lượng) và cách ghi cũng không thống nhất, phức tạp. Do đó, khi hoàn thiện phương pháp tính, mức thu gặp khó khăn do phải mất nhiều thời gian, nguồn lực để khảo sát, thăm dò đánh giá lại trữ lượng cho các giấy phép không có trữ lượng (thường từ 2- 3 năm) nhằm bao quát được tính phức tạp, đa dạng của nhiều loại Giấy phép như đã nêu trên.

Đối với tài nguyên nước: Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, các thông số tính tiền là chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước của từng công trình khai thác. Trong khi đó, Luật quy định chỉ tính tiền đối với một số hoạt động khai thác tài nguyên nước có lợi thế như: thủy điện, khai thác nước để cấp cho một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ... nhưng không tính tiền đối với nước tưới cho nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt của nhân dân.

Do đó, khi xây dựng phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, tránh gây tác động lớn, nhất là tác động đến giá điện, giá nước sạch, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định như: việc xác định lượng nước khai thác phải nộp tiền đối với công trình khai thác nước cấp chung cho nhiều mục đích, gồm cả mục đích phải nộp tiền và không phải nộp tiền (các công trình cấp nước đô thị vừa cấp nước sinh hoạt cho nhân dân (không phải nộp tiền) vừa cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (phải nộp tiền); về giá để tính tiền (sử dụng giá tính thuế tài nguyên nước hay xây dựng giá mới để tính tiền cấp quyền), mức thu đối với một số mục đích khai thác nước cho sản xuất có tính chất đặc thù (làm mát máy, tạo hơi, tưới cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc...); xử lý những vấn đề về một công trình khai thác nguồn nước chung của nhiều địa phương....

Để hoàn thiện phương pháp tính cần xác định cụ thể nội hàm của từng thông số kỹ thuật tính tiền, gắn với từng đối tượng, từng công trình, mục đích khai thác nước như đã nêu trên.

Vì những lý do trên, trong quá trình xây dựng các Nghị định cần phải có nhiều thời gian để hoàn thiện phương pháp tính, mức thu tiền do tính chất phức tạp, đa dạng của các đối tượng thuộc diện tính tiền. Mặt khác, qua nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp cho các lần dự thảo Nghị định cho thấy cần phải tính toán kỹ lưỡng các phương án để lựa chọn phương án có tính khả thi, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan khi lần đầu tiên triển khai chính sách thu thêm một khoản tiền ngoài các khoản thu đã được quy định trước đây để thống nhất, tạo sự đồng thuận cao.

Ngoài những nguyên nhân khách quan “bất khả kháng” đương nhiên, Bộ TN&MT khi cũng đã nhận trách nhiệm chưa kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền để tháo gỡ. Đối với khó khăn, vướng mắc khi thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khi Chính phủ (nhiệm kỳ 2011-2016) có Báo cáo số 388/ BC-CP ngày 10 tháng 10 năm 2014 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và đề nghị miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013) nhưng Bộ chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý.

Đồng thời, việc nhận thức về thẩm quyền quyết định thời hạn áp dụng việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định chưa kịp thời trình Quốc hội để xem xét, quyết định thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Các vấn đề này tại Văn bản số 1320/VPCP-V.I ngày 25 tháng 02 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan...và đã có hình thức kỷ luật tương xứng.

Như vậy, thực tế là để ban hành được các Nghị định đã phải qua nhiều lần soạn thảo với ý kiến của hầu hết các thành viên Ban soạn thảo là đại diện của các Bộ, ngành, không phải là ý kiến chủ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có sự tham gia góp ý của tất cả Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; góp ý của đại diện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối tượng điều chỉnh của các Nghị định này là hàng ngàn doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế như đã nêu trên. Riêng đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được hạch toán vào giá thành sản xuất, chủ yếu được tính vào giá điện, giá nước. Thực chất các nhà máy điện, nhà máy nước chỉ là người thu hộ từ người dùng điện, dùng nước để nộp cho nhà nước.

Do đó, nếu Quốc hội đồng ý cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước về mặt bản chất thì người dùng điện, dùng nước sẽ không phải nộp thêm khoản tiền nêu trên chứ không phải các nhà máy điện, nhà máy nước được miễn. Vì vậy không có vấn đề về lợi ích nhóm khi mà số tiền thu tiền cấp quyền khoáng sản thực chất đã thu được tới 90%  còn số tiền thu tiền cấp quyền tài nguyên nước chỉ là trong dự tính.

Kim Liên - Thu Hà
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây