Chủ động nguồn nước cho sự phát triển bền vững

Thứ hai - 17/08/2020 21:53
 Để chủ động nguồn nước, không phụ thuộc nước ngoài phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ”: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập, sáng 17/8.

Đến 2045, phải bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và 100% tưới tiêu

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại ba lưu vực sông lớn: Hồng-Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai.

Dự kiến nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).

w

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ đạo tại Hội nghị

Do vậy, để quản lý, sử dụng hiệu quả bảo đảm an ninh nguồn nước, thực hiện Luật Tài nguyên nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung lập quy hoạch tài nguyên nước.

Hiện nay Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia (Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 04/12/2019); triển khai lập quy hoạch 05 lưu vực sông: Hồng-Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk và Cửu Long (trong đó 03 quy hoạch lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2020 và 02 lưu vực sông Hồng-Thái Bình và Cửu Long dự kiến trình phê duyệt tháng 12/2021); 8 lưu vực sông còn lại đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, đối với nước mặt, việc đánh giá diễn biến dòng chảy, tài nguyên nước mặt trong sông đã được thực hiện ở hầu hết các trạm thủy văn, trạm tài nguyên nước hiện có trên các hệ thống sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Cửu Long và một số sông ven biển Miền Trung.

Đánh giá an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

4

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo tại Hội nghị

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là vấn đề rất quan trọng, cấp bách, không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tính quốc tế và khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học hiện đại cho 100% diện tích đất canh tác (hiện có trên 11 triệu ha đất canh tác, trong khi chúng ta mới tưới tiêu được 4,2 triệu ha đất canh tác). Phải đáp ứng được nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115-120 triệu dân lúc bấy giờ, bảo đảm nước cho cả thành thị và nông thôn.

Quản lý nguồn nước theo phương châm “bốn tại chỗ”

Với các mục tiêu nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có quan điểm, phương châm chỉ đạo là đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.

5

Toàn cảnh hội nghị

Gợi mở các giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên cơ sở các đường lối, Nghị quyết của Đảng, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, toàn diện bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, đê điều, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai. Tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia, nhất là ở lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực miền Trung.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tránh chồng chéo; rà soát lại việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương về quản lý nguồn nước và an toàn hồ đập. Thực hiện một kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch.

Ngoài ra, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây