TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Thủ tướng: Đặc biệt quan tâm môi trường khi phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm

Ngày 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, có xét đến năm 2025.

1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, 2 dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bauxite thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm là Tân Rai ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông được khởi công vào năm 2008 và 2010. Được triển khai ở thời điểm có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên và giá alumin trên thị trường thế giới xuống thấp, nhưng từ năm 2017, các nhà máy alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Nhờ sử dụng công nghệ Bayer hiện đại của thế giới, độ tinh khiết của alumin đạt cao hơn thiết kế, tiêu hao năng lượng ít hơn. Cả hai nhà máy này đều thực hiện đúng pháp luật về ngân sách, thuế và phí, đồng thời đã cơ bản trả xong vốn vay và lãi vay ngân hàng.

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khẳng định, nếu giá alumin thế giới có xuống thấp từ 12-17% thì cả hai dự án vẫn có hiệu quả kinh tế. Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, cả 2 dự án thí điểm này cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện xong đề án thăm dò quặng bauxite. Cả 2 dự án cơ bản thỏa mãn những yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó hệ số an toàn hồ bùn đỏ được nâng lên gấp 3 lần, việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác được thực hiện đúng theo yêu cầu. Chủ đầu tư cũng đã xây dựng các nhà máy điện đảm bảo cung cấp điện cho 2 nhà máy.

Qua 2 dự án này, lần đầu tiên Việt Nam cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin với nguồn nhân lực trẻ, đồng thời thu hút được nhà đầu tư để bước đầu hình thành ngành công nghiệp alumin và luyện nhôm ở Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng nữa là việc bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên và an ninh quốc gia, an toàn quốc phòng được bảo đảm. Thu nhập của người dân địa phương tăng cao, từ  trung bình 17 triệu đồng/năm trước năm 2007 lên 65 triệu đồng/năm hiện nay.  
 
2
Ảnh: VGP/Quang​ Hiếu
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá, sau 10 năm thực hiện thí điểm 2 dự án khai thác và chế biến bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đã cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả tổng thể cả về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên theo nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng của Tây Nguyên để phát triển Tây Nguyên.

Hai dự án thí điểm này cũng cho nhiều kinh nghiệm quý về chủ động trong truyền thông chính sách, phát huy trách nhiệm giải trình và vai trò giám sát của nhân dân. Bên cạnh đó là bài học về đánh giá đúng dựa trên cơ sở khoa học về tiềm năng và cung cầu thị trường của một số ngành. Từ kết quả này, cần tính đến kế hoạch, cũng như huy động các nguồn lực xã hội để phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến từ lãnh đạo các Bộ, ngành, nhất là ý kiến của tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông để hoàn thiện báo cáo và thay mặt Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. Nội dung báo cáo cần toàn diện, có chiều sâu và tầm nhìn xa hơn về phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm ở Việt Nam đến năm 2025 và 2030. Vì trên thực tế, 2 dự án thí điểm khai thác bauxite và chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã có đóng góp nhất định cho kinh tế của đất nước, thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực luyện nhôm, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị và hóa chất phụ trợ.

Các dự án này cũng có đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tây Nguyên những năm gần đây, là tiền đề để tính tới việc mở rộng khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, trong tương lai nếu phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm trên cơ sở của 2 nhà máy này, thì phải gắn với thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế, vì luyện nhôm thường phải có nhiều điện. Trong đó, cần huy động các doanh nghiệp tiềm lực ở nhiều thành phần khác tham gia đầu tư vào các dự án. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu phát triển các phương thức vận tải, ngoài đường bộ từ các nhà máy ở Tây Nguyên xuống các cảng biển, đi cùng với ứng dụng công nghệ mới để xử lý bùn đỏ.

Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển bền vững ngành công nghiệp alumin và luyện nhôm, phải đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nhất là bảo vệ môi trường sống của đồng bào Tây Nguyên bao gồm núi rừng, nước, không khí và không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người.

Theo: chinhphu.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây