TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, tạo sự chuyển biến về chất trong bảo vệ môi trường

Năm 2019, tiếp tục đánh dấu những chuyển biển mạnh mẽ, rõ nét trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường với những đóng góp lớn vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Trước thềm Xuân mới Canh Tý 2020, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dành thời gian chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường về những định hướng lớn của Ngành trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

 

1

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã khép lại năm 2019 với những kết quả quan trọng, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ghi nhận những nỗ lực này, mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Bộ trưởng có thể cho biết, đâu là những kết quả nổi bật tạo nên sự chuyển biến tích cực đó?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2019, với quyết tâm tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững, ngành tài nguyên và môi trường đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp; dự báo sát các xu thế, nhận diện, xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh từ thực tiễn; đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước.

Trước hết, về thể chế, chính sách, Bộ đã trình ban hành các chính sách tháo gỡ ngay những vướng mắc về quy hoạch đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo để tiếp tục khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển. Thiết lập hành lang pháp lý cho thống nhất quản lý đo đạc bản đồ; chuyển đổi phương thức quản lý môi trường theo hướng chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm những nguy cơ ô nhiễm, sàng lọc lựa chọn các ngành nghề, dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường...

Thứ hai là, từng bước xây dựng hạ tầng để triển khai Chính phủ điện tử, điều hành thông minh và phát triển kinh tế số, đưa vào vận hành hệ thống trạm định vị vệ tinh với độ chính xác cao; xây dựng hệ thống thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu đất đai, viễn thám tích hợp, kết nối, liên thông với các ngành. Ngành tài nguyên và môi trường là Ngành đầu tiên Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0.

Chỉ đạo điều hành được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng kết nối từ Trung ương đến địa phương, trong đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường kết nối tương tác với Bộ, cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ để trao đổi, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được chú trọng; toàn Ngành đã thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình tổ chức; chuyển tổ chức dịch vụ công thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Thứ ba là, các nguồn tài nguyên được phát huy cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ cấu sử dụng đất được chuyển dịch, đảm bảo yêu cầu về mặt bằng cho phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao. Tình trạng lãng phí, vi phạm pháp luật về đất đai được giải quyết, xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai với diện tích 18.844 ha; hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường. Nhiều khu vực có tiềm năng khoáng sản, giá trị địa chất đã được phát hiện, được chuyển hóa thành nguồn lực, đưa ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại. Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động, cực tăng trưởng mới của đất nước có thể kể đến như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận... An ninh tài nguyên nước được quan tâm, chú trọng quản lý theo lưu vực, điều tiết phục vụ đa mục tiêu. Hoàn thành việc điều tra, lập bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên quy mô toàn quốc. Đây là năm Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Nguồn thu từ tài nguyên đạt cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó, thu từ đất đến 25/12/2019 đã đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11% thu ngân sách nội địa; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến nay đạt 9.354 tỷ đồng, trong đó, số thu năm 2019 là 1.165 tỷ đồng; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt của cả nước là 50.909 tỷ đồng, trong đó, số thu năm 2019 là 4.780 tỷ đồng.

2

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (ảnh: Quốc Khánh)

 

Thứ tư là, công tác quản lý, bảo vệ môi trường của Ngành đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Chủ động kiểm soát, phòng ngừa, thiết lập hơn 600 trạm quan trắc tự động ở các dự án có nguy cơ cao ô nhiễm để hoạt động an toàn, hiệu quả đóng góp cho tăng trưởng. Xác định các giải pháp tổng thể, đồng bộ để quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; bảo vệ môi trường lưu vực sông. Đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã kiên quyết không tiếp nhận các dự án công nghệ lạc hậu, nhà máy dệt nhuộm ở khu vực nguồn nước sinh hoạt. Năm 2019, cũng là năm có nhiều nhất Vườn di sản ASEAN được Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận.

Thứ năm là, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng; nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn để các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại; đề xuất các giải pháp chiến lược để chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân về triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu là, phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành công tác kỹ thuật phân giới, cắm mốc tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác. Hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia, hoàn chỉnh Hệ quy chiếu, hệ tọa độ quốc gia Việt Nam, hệ tọa độ quốc gia 3D.

Thứ bảy là, với sự nỗ lực của toàn Ngành chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm chất lượng cung cấp dịch vụ công theo khảo sát đánh giá của các tổ chức độc lập được cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm 10,7%; tỷ lệ người dân phản ánh có bôi trơn trong làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm 29%; chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) tăng đều qua 3 năm.

Chúng ta đã chủ động đề xuất các đề án thí điểm đối với những vấn đề mới; sơ kết, tổng kết các chủ trương chính sách, pháp luật, trên cơ sở đó, Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các Kết luận chỉ đạo, Nghị quyết giám sát và sửa đổi 2 bộ Luật quan trọng là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai. Trình Chính phủ 2 đề án lập nhiệm vụ quy hoạch quốc gia và 5 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành để phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường cho giai đoạn phát triển mới.

3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát động phong trào Chống rác thải nhựa tại Hà Nội (6/2019)
 

6

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam Phạm Phú Ngọc Trai ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác
 

Phóng viên: Vậy đâu sẽ là những thách thức mà ngành tài nguyên và môi trường phải đối mặt trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước hết, vẫn còn những xung đột trong các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, bảo vệ môi trường, quản lý tài sản công dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi ở địa phương.

Nhu cầu về tài nguyên cho phát triển ngày càng tăng trong khi khả năng cung ứng là hạn chế và đang bị suy giảm, suy thoái nhất là tài nguyên nước, đất đai đòi hỏi phải tính toán, quy hoạch, sử dụng hợp lý cho các nhu cầu, gắn với nâng cao hiệu quả, đảm bảo trước mắt và lâu dài.

Ô nhiễm do tác động tích lũy từ quá trình phát triển đã chạm ngưỡng chịu tải của môi trường; lượng phát thải ra môi trường ngày càng tăng, riêng chất thải rắn trung bình mỗi năm tăng từ 10 - 16%, trong khi đó, tỷ lệ được tái chế còn thấp; chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh có xu hướng giảm, nhất là tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực sông còn rất lớn, trong đó, mới chỉ 20% được thu gom xử lý. Năm 2019, nhiều sự cố về môi trường phát sinh trên thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.

Hiện nay, các nước trên thế giới ngày càng chú trọng đến hàng rào kỹ thuật về môi trường, trong khi nền kinh tế của Việt Nam lại có độ mở lớn, nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện của các quốc gia phát triển sang rất cao nếu chúng ta không có các hàng rào kỹ thuật hữu hiệu.

Trong khi đó, như chúng ta đã thấy, biến đổi khí hậu, thiên tai đang diễn biến nhanh. Tháng 6/2019 là tháng 6 nóng nhất kể từ khi loài người bắt đầu ghi nhận số liệu thời tiết từ năm 1800. Trong đó, châu Âu phải gánh chịu đợt nắng nóng chưa từng có như ở Tây Ban Nha nhiệt độ đã có lúc lên 42oC gây thiệt hại lớn về người và của, các chuyên gia cảnh báo hiện tượng này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Tại Hoa Kỳ, đợt lũ lụt lịch sử ở khu vực miền Tây nước Mỹ đã khiến 74 thành phố phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Cháy rừng ở Braxin và mới đây nhất là ở Australia gây ra những tác nghiêm trọng về môi trường, ô nhiễm xuyên biên giới. Báo cáo mới nhất (8/8/2019) của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp, tác động mạnh đến an ninh lương thực do nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, tần suất các hiện tượng cực đoan; đồng thời, làm gia tăng sức ép lên hệ thống đất đai, qua đó, bùng phát nguy cơ cao về hoang mạc hóa, suy thoái đất. Các tác động dài hạn đã được cảnh báo, nhận diện, tuy vậy, những tác động ngắn hạn là khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan. Tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra ở ngay cả khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

6

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng tặng quà Tết Canh Tý 2020 cho cán bộ, viên chức Trạm Thủy văn Bản Đôn

Phóng viên: Để giải quyết những khó khăn trên, trong năm 2020, đâu là vấn đề trọng tâm mà ngành tài nguyên và môi trường sẽ tập trung triển khai để để có thể hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Chính phủ giao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2020, Ngành cần tập trung để hoàn thành 2 mục tiêu lớn là “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.

Trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để tiếp cận, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu hội nhập và các cam kết quốc tế; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực này cho phát triển, giải quyết các xung đột, chồng chéo của pháp luật; có các cơ chế để hài hòa giữa chính sách thu và chính sách ưu đãi đầu tư, sàng lọc lựa chọn các dự án có suất đầu tư lớn, công nghệ cao vào các vùng kinh tế trọng điểm; khuyến khích đầu tư vào các địa bàn khó khăn để tạo được giá trị tăng thêm ngoài nguồn thu từ đất, đáp ứng mục tiêu phát triển bao trùm; hoàn thiện các công cụ kinh tế, tài chính, giá đất để ngăn ngừa thất thoát, đầu cơ, giải quyết hài hòa lợi ích Nhà nước, Người dân, Doanh nghiệp để giảm khiếu kiện đất đai.

Nghiên cứu, đóng góp tư duy mới về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các Văn kiện của Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

7

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc Tết Canh Tý 2020 cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk ngày 7/1/2020

 

Bên cạnh đó, Ngành sẽ tập trung lập các quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Khắc phục tình trạng chậm phê duyệt, thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, không sát với thực tiễn; đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn. Cân đối, phân bổ hợp lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo tính thống nhất, tích hợp với các quy hoạch, kết nối theo không gian lãnh thổ, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành đồng bộ cơ sở pháp lý cho thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; đưa chỉ số Đăng ký tài sản (A7) lên từ 10 - 15 bậc; chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai11 (B3) lên từ 5 - 7 bậc. Tập trung chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dữ liệu không gian địa lý, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của ít nhất 40% số đơn vị hành chính cấp huyện. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ công, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, chúng ta tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, chú trọng tăng cường năng lực cho cấp địa phương. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo quản lý thống nhất của Trung ương và chủ động của địa phương. Chủ động hợp tác và hội nhập, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách. Chuẩn bị các hoạt động của Ngành trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN. Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí, người dân; thay đổi thói quen tiêu dùng của xã hội.

Ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động mặt bằng cho triển khai các dự án đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn; điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông. Chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong hợp tác chia sẻ nguồn nước. Nghiên cứu dự báo các nguy cơ tai biến địa chất như sạt lở, sụt lún, động đất. Triển khai các Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, nâng cao năng lực cho các cơ quan nghiên cứu về biển, phát triển đội ngũ nhà khoa học; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

Tạo chuyển biến căn bản, chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Thực hiện phân vùng môi trường trong quy hoạch để định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Ứng dụng công nghệ để quản lý môi trường thông minh tại các đô thị. Triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý, tái chế rác thải đảm bảo tối ưu về kinh tế, an toàn về xã hội và môi trường. Triển khai Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí; thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Cuối cùng, toàn Ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể trong Kế hoạch quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường điều phối liên vùng, thực hiện chuyển đổi sản xuất quy mô lớn ở các vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ,.. để chủ động thích ứng, chuyển hóa các thách thức thành lợi thế cho phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân. 

8

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thăm hỏi và động viên bà con vùng lũ Quảng Bình (9/2019)
 

Phóng viên: Một vấn đề mà người dân và các doanh nghiệp rất quan tâm trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nhất là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Bộ trưởng có thể cho biết trong lần sửa đổi này, Luật sẽ chú trọng đến những vấn đề gì?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:  Việc sửa đổi Luật lần này đã được tiến hành hết sức công phu từ tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế, dự báo yêu cầu phát triển, chuyển dịch mô hình tăng trưởng của đất nước, sự phát triển của khoa học công nghệ. Có rất nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó, đáng chú ý là:

 Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, của người gây ô nhiễm trong bảo vệ môi trường; đề cao vai trò giám sát, bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng và người dân.

Hoàn thiện các công cụ kinh tế, quy hoạch để thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Cụ thể hóa trách nhiệm chi trả của người gây ra ô nhiễm thông qua các chính sách về thuế, phí; ưu đãi phát triển năng lượng sạch, tái tạo, phát triển công nghiệp môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững; lối sống, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường. Quy định về quy hoạch môi trường, phân vùng môi trường làm cơ sở định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), theo hướng thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐMC. Bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công. Quy định chỉ các dự án đầu tư xây dựng mới có công trình xử lý chất thải và các dự án khác có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện báo cáo ĐTM. Phân nhóm các dự án để cải cách rút ngắn thời gian thẩm định với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm, có công cụ quản lý đối với các dự án thuộc nhóm có tác động xấu đến môi trường.

Luật sửa đổi cũng sẽ giảm “tiền kiểm” tăng cường “hậu kiểm”. Khuyến khích các dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và áp dụng thực hành môi trường tốt nhất (BEP) thông qua đơn giản thủ tục hành chính. Thay thế 7 loại giấy phép, giấy xác nhận, chứng nhận, đăng ký chủ nguồn thải,... về bảo vệ môi trường bằng một loại giấy phép môi trường. Hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường cảnh quan.

Bổ sung các quy định về quản lý chất thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Quy định rõ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng. Chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị, sản xuất kinh doanh có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn; Ủy ban nhân dân phải đầu tư lắp đặt thiết bị xử lý tại chỗ theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của địa phương đối với nước thải từ hộ gia đình và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở đô thị và khu dân cư tập trung trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung.

Quy định về quản lý chất lượng môi trường nước, không khí,… phù hợp với phân vùng môi trường và ngưỡng chịu tải về môi trường. Bổ sung quy định về giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường; quy chuẩn kỹ thuật môi trường để thiết lập hàng rào kỹ thuật đảm bảo phòng ngừa công nghệ lạc hậu, rác thải chuyển dịch vào Việt Nam.

Các quy định về thanh tra, kiểm tra trong dự thảo Luật cũng sẽ được sửa đổi để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực môi trường. Quy định cụ thể hơn về nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với trường hợp từ hai tổ chức, cá nhân trở lên làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường của từng đối tượng được xác định theo loại chất gây ô nhiễm, lượng phát thải và các yếu tố khác; trách nhiệm chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng đối tượng tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường;.....

Dự thảo Luật đang được lấy ý kiến rộng rãi để trình Chính phủ trong tháng 2/2020 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

9

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Xuân Canh Tý 2020 

 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường là quan trọng, nhưng việc thực thi mới đóng vai trò quyết định. Xin Bộ trưởng nói rõ thêm về việc thực thi bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thời gian qua, chúng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy vậy, vì nhiều lý do quá trình thực thi chưa theo kịp với thực tiễn. Tôi đơn cử như bài học về việc trong một thời gian dài, chúng ta quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, mà chưa đặt môi trường vào đúng vị trí của nó trong quá trình phát triển. Hệ quả là những năm qua, sự cố về môi trường liên tiếp xảy ra, tại một số thời điểm, một số nơi; sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, sức khỏe của người dân, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Hiện trạng môi trường hiện nay và những sự cố môi trường vừa qua cho thấy, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Môi trường phải được đặt đúng ở vị trí trung tâm của phát triển bền vững. Trong đó, phải có ngay chuyển biến về chất trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ngay từ năm 2020 trở đi: Không chấp nhận hy sinh môi trường để đánh đổi các lợi ích kinh tế, cụ thể là:

Trước hết là, cương quyết với các dự có nguy cơ gây ô nhiễm; bảo vệ môi trường phải được thực hiện ngay từ trong giai đoạn đầu tư, kiên quyết loại trừ quan điểm phát triển trước làm sạch sau; sàng lọc loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu hao năng lượng, các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm; thực hiện đầu tư phù hợp với phân vùng môi trường, sức chịu tải. Tôi ví dụ khu vực phân vùng quy hoạch nước sinh hoạt thì cương quyết không cấp phép các nhà máy xả thải gây ô nhiễm hoặc khu vực đã chạm tới ngưỡng chịu tải của môi trường, cương quyết không cấp phép hoặc phải đạt tiêu chuẩn môi trường cao nhất… Điều này được thực hiện thông qua bộ lọc về quy chuẩn tiêu chuẩn tiệm cận với các nước tiên tiến, các công cụ đánh giá tác động môi trường.

Hai là, chuyển dịch nhanh mô hình kinh tế sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các bon thấp. Tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính thay cho các biện pháp hành chính hiện nay. Người gây ra ô nhiễm phải chi trả chi phí để khắc phục, phục hồi môi trường. Nhà sản xuất, phân phối có trách nhiệm trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ; quản lý dự án theo vòng đời. Khuyến khích áp dụng kỹ thuật công nghệ tốt nhất hiện có (BAT), áp dụng thực hành môi trường tốt nhất (BEP), sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội về tài chính và công nghệ cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải, như là lãi suất, ưu đãi về đất đai, thuế,... Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện.

Ngành TN&MT dự báo sát tình hình khí tượng thủy văn hạn dài và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu đã huy động được sự chung tay của hệ thống chính trị nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ba là, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế chất thải. Thu hút đầu tư các khu tái chế, xử lý chất thải có tính liên vùng để nâng hiệu quả đầu tư, xử lý đồng bộ với công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn. Hình thành thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Trước mắt, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Phát triển một số đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Đánh giá đầy đủ thiệt hại do ô nhiễm môi trường và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân gây ra; áp dụng chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải theo quy định. Thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ. Thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng không khí thông qua kiểm kê, kiểm soát, di dời các nguồn ô nhiễm, nâng cao quy chuẩn phương tiện giao thông; đảm bảo quy chuẩn quy hoạch cây xanh, không gian công cộng trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn. Đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình cải thiện môi trường lưu vực sông,... Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân. Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn. Tăng cường quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên.

Năm là, nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học; giảm hẳn và loại bỏ sử dụng các hóa chất độc hại; bảo đảm chất lượng và độ an toàn cho sản xuất lương thực, thực phẩm. Áp dụng Internet kết nối vạn vật quản lý môi trường thông minh, tăng cường giám sát của cộng đồng.

Ngành TN&MT hoàn thành xây dựng kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36/NQ-TW tạo bước đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực ven biển.

Phóng viên: Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, Bộ trưởng có gửi gắm gì tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thông qua ấn phẩm Báo Xuân Canh Tý 2020 của Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới từng cán bộ ở từng vị trí của mình đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, dù nhỏ bé nhưng đã góp phần vào thành công chung của Ngành. Tôi xin tri ân những đóng góp của các thế hệ đi trước đối với sự nghiệp phát triển của ngành tài nguyên và môi trường trong những năm qua.

11

Nhân dịp đón Xuân mới Canh Tý 2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tài nguyên và Môi trường qua các thời kỳ cùng toàn thể quý độc giả của Báo Tài nguyên và Môi trường một năm mới Sức khỏe - Hạnh phúc và Thành công. 

Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp cùng tinh thần đổi mới, bản lĩnh đã được các thế hệ đi trước dày công vun đắp, tôi mong toàn ngành cần tiếp tục quán triệt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ để cùng quyết tâm tạo sự chuyển biển mạnh mẽ trong công tác quản lý, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đánh thức, các tiềm năng, nguồn lực tài nguyên cho tăng trưởng. Đưa công tác bảo vệ môi trường sang một trang mới - bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm khởi tạo phát triển bền vững. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội cho phát triển. Tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.

Ngành TN&MT thiết lập được hệ thống kiểm soát môi trường tự động với 600 trạm quan trắc, kết nối trực tuyến với 50 Sở Tài nguyên và Môi trường. Rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, phát triển mô hình tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp để trình Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội trong giảm thiểu rác thải nhựa. Tỷ lệ khu công nghiệp có khu xử lý chất thải tập trung đạt 89%. Số sự cố môi trường giảm 50% so với năm 2018, các vụ việc vi phạm bị xử lý nghiêm minh.

Mừng Xuân mới, thông qua Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành qua các thời kỳ cùng toàn thể quý độc giả của Báo một năm mới Sức khỏe - Hạnh phúc và Thành công!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Khương Trung
Theo: Cổng TTĐT Bộ TNMT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây