TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương

Bộ TN&MT vừa có Công văn số 3430 gửi 32 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thực hiện Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) tại địa phương.

32 UBND tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.

Ngày 18/12/2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có công văn số 6795/BTMTTCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố thực hiện Dự án VILG về việc cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân đến tháng 6/2020 của dự án. Đến nay một số tỉnh, thành phố đã triển khai các gói thầu dịch vụ kỹ thuật về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chưa đạt yêu cầu, kết quả giải ngân còn hạn chế và chưa đảm bảo được các cam kết của Dự án với nhà tài trợ.

 Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, sau khi hoàn thành phải đưa ngay vào vận hành khai thác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai; cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai cho người dân, doanh nghiệp; sẵn sàng tích hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, tránh lãng phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư.Do đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố với trách nhiệm cơ quan chủ quản dự án tại địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung như: Khẩn trương phê duyệt Kế hoạch tổng thể, kế hoạch thực hiện và kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2020 của địa phương; bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện Dự án.
Hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của Ngân hàng Thế giới và các quy định của pháp luật về đầu tư cho tất cả các gói thầu dịch vụ kỹ thuật về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trước 31/8/2020.

Chỉ đạo Sở TN&MT với vai trò chủ đầu tư tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm: Chỉ đạo lập Thiết kế kỹ thuật dự toán các gói dịch vụ kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo đúng khối lượng, chất lượng, tài liệu làm cơ sở dữ liệu phải phản ánh đúng hiện trạng tại thời điểm sử dụng, tuân thủ các quy định kỹ thuật hiện hành, tránh trùng lắp đầu tư với các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã và đang triển khai tại địa phương, các loại tài liệu phải đảm bảo chính xác phù hợp với hiện trạng đang sử dụng để tránh chồng chéo, lãng phí.

Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá, đảm bảo tính đầy đủ, tính pháp lý, tính chính xác của thông tin, tài liệu, dữ liệu đầu vào, tuân thủ đúng quy trình thu thập, phân loại, lựa chọn loại tài liệu, dữ liệu có thời điểm lập mới nhất, có đầy đủ thông tin nhất, có giá trị pháp lý cao nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định tại Sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án, không vì khối lượng mà sử dụng các tài liệu không phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất của các địa phương.

Văn phòng Đăng ký đất đai chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu, dữ liệu đầu vào để đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo đúng các quy định kỹ thuật.

Công tác đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch, hồ sơ mời thầu đảm bảo cho phép nhiều nhà thầu tham gia, công khai thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu và lựa chọn được nhà thầu có năng lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng của cơ sở dữ liệu đất đai. Công tác đấu thầu cần tuân thủ các nguyên tắc của Ngân hàng Thế giới, Pháp luật về đấu thầu, Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Đẩy nhanh công tác mua sắm đấu thầu đối với các huyện đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng cam kết với Ngân hàng thế giới.

Tập trung chỉ đạo công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tổ chức thực hiện thường xuyên và có hệ thống trên cơ sở kế hoạch đã được lập theo tiến độ thi công. Chủ đầu tư lựa chọn đơn vị giám sát, kiểm tra, nghiệm thu theo quy định của pháp luật đấu thầu, đảm bảo đơn vị tư vấn có chức năng và đủ năng lực để thực hiện.

Việc thanh quyết toán các gói thầu dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án, chỉ thanh toán theo khối lượng sản phẩm đầu ra, không thanh toán theo công đoạn. Sau khi nghiệm thu, Sở TN&MT phải đưa ngay sản phẩm của dự án vào vận hành, khai thác sử dụng. Phối hợp với Ban quản lý Dự án VILG cấp Trung ương trong việc hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi (sửa đổi) và xem xét kế hoạch tái cấu trúc Dự án bao gồm việc kéo dài thời gian thực hiện của Dự án.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tiến độ triển khai và giải ngân của dự án đã được quy định tại Sổ tay hướng dẫn thực hiện Dự án và theo yêu cầu của Ban quản lý Dự án VILG cấp trung ương.

Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện, đảm bảo Dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng, nghiệm thụ, thanh quyết toán và mục tiêu đề ra thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Đối với các tỉnh không tiếp tục tham gia Dự án đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương có văn bản chính thức gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/7/2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của WB, được thực hiện trong thời gian từ tháng 3/2017 – 3/2022, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia.

Theo đó, dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phầm mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng…

Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, với 63 tỉnh/thành phố sẽ triển khai hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu; 33 tỉnh/thành phố sẽ triển khai đồng bộ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trang bị hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu cấp tỉnh, hiện đại hóa tổ chức cung cấp dịch vụ công về đất đai.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây