TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều điểm mới, mang tính đột phá

Chỉ còn ít ngày nữa dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội khóa XIV “bấm nút” quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (từ ngày 20/10 đến ngày 17/11/2020). Với việc sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường, dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ trở thành đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường...

img 0800
GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Bích Liên) 

Trao đổi với báo chí chiều ngày 9/11 GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về những điểm mới mang tính đột phá trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này?

GS. Mai Trọng Nhuận: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 174 điều với mục tiêu đồng bộ hóa các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của một dự án đầu tư, từ khâu xem xét chủ trương, thẩm định, thực hiện cho đến khi dự án đi vào vận hành, bao gồm chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.

Đặc biệt, Luật đề cao vai trò của người dân trong việc bảo vệ môi trường, giám sát môi trường. Cụ thể, Luật quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Theo đó, cộng đồng dân cư có quyền được cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; bảo đảm các điều kiện để tham gia và giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổ chức giám sát và phản biện xã hội, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng dân cư và người dân đối với các vấn đề môi trường trên địa bàn để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước hoặc yêu cầu chủ dự án tiến hành xử lý…

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về việc Nhà nước hỗ trợ các tổ chức, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội…

Luật còn quy định về việc tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan. Theo đó, kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Đây cũng là lần đầu tiên dự thảo Luật đã cụ thể hóa các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các bon trong nước; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

PV: Theo đánh giá trước đây việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thường không được công khai minh bạch, dẫn đến nhiều dự án được cấp phép ĐTM không đủ điều kiện, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vậy dự thảo Luật lần này có quy định ra sao về vấn đề này thưa ông?

GS. Mai Trọng Nhuận: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này bổ sung nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải được công khai, minh bạch, quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải; chủ trương của Nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh… trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường.

Theo tôi, Luật lần này đề cập ĐTM là công cụ, bản chất của các dự án. Như vậy, ĐTM mang tính dự báo, định hướng, là cơ sở để cho các dự án được phép đầu tư hay không .

Hơn nữa, dự thảo Luật cũng quy định các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc thông qua các báo cáo theo quy định của pháp luật.

PV: Trước đây những cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường thường phải chịu phạt theo mức độ quy định. Tuy nhiên, những biện pháp xử lý vi phạm này không đủ sức răn đe khiến nhiều doanh nghiệp vi phạm không sợ, vẫn tái diễn. Vậy dự thảo Luật lần này có thay đổi gì về vấn đề xử phạt không thưa ông?

GS. Mai Trọng Nhuận: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.

Dự thảo Luật lần này quy định tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên- Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây