TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Thách thức trong triển khai thực hiện NDC cập nhật và giải pháp thực hiện

Có 3 nhóm thách thức cơ bản trong triển khai thực hiện NDC cập nhật, trên cơ sở đó đòi hỏi cần có các giải pháp thực hiện phù hợp.

Đối với ứng phó BĐKH nói chung

Ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của mọi quốc gia. Các quốc gia có điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội, trình độ khoa học và công nghệ, lịch sử phát thải khí nhà kính khác nhau nên có hành động ứng phó và ưu tiên khác nhau. Để thống nhất nỗ lực chung của toàn thế giới thường mất nhiều năm và có lúc thăng, lúc trầm. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực ứng phó với BĐKH, thực hiện NDC cập nhật tại Việt Nam, cả trong thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 có thể tác động đến nỗ lực ứng phó BĐKH.

Về giải pháp đối với thách thức này, cần xác định rõ quan điểm lập trường của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và áp dụng xuyên suốt trong các hoạt động ứng phó BĐKH và trong hoạt động đối nội, đối ngoại của Việt Nam. Phối hợp với các quốc gia để duy trì nỗ lực toàn cầu; tăng cường tuyên truyền trong nước để thúc đẩy phục hồi xanh sau COVID-19.

Đối với các nhiệm vụ thích ứng với BĐKH

Đối với nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, các thách thức chủ yếu là: 

Nhu cầu cho phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng và ngập lụt đô thị rất lớn, tuy nhiên nguồn lực quốc gia còn hạn chế và cần cân đối cho các mục tiêu khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước còn nghèo, tỷ lệ tái nghèo có nguy cơ tăng, nhất là khi có thiên tai xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Về giải pháp, sẽ cần cải tiến công tác lập kế hoạch và dự toán ngân sách để đảm bảo các mục tiêu về BĐKH được gắn kết với ngân sách cho thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, 2026-2030. Ưu tiên các dự án vừa thích ứng vừa giảm nhẹ trong phân bổ ngân sách của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025 nhằm tăng cường đồng lợi ích, tối đa hóa hiệu quả thích ứng và giảm nhẹ. Tăng cường mô hình tài chính khí hậu nhằm điều phối và huy động nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với BĐKH, xác định các chính sách và các rủi ro về tài chính, thiếu hụt ngân sách.

Các hoạt động thích ứng với BĐKH thường đòi hỏi đầu tư lớn, ít hoặc chậm mang lại lợi nhuận trực tiếp nên khó hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia nếu thiếu các chính sách hỗ trợ khác, trong khi đầu tư từ ngân sách thường được thực hiện trên cơ sở ưu tiên của Bộ, ngành và địa phương nên ít có tính liên ngành, liên vùng làm cho các hoạt động thích ứng thiếu đồng bộ và có thể tác động tiêu cực lẫn nhau. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi và các chính sách khuyến khích khác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư cho các hoạt động thích ứng với BĐKH; tăng cường vai trò của Ủy ban quốc gia về BĐKH, của Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH trong điều phối, quyết định các dự án thích ứng mang tính liên vùng, liên ngành.

Cơ cấu tổ chức của các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH còn chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương. Do vậy, cần có sự tích hợp nội dung BĐKH vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế, đặc biệt là đối với diễn biến bất thường và trái quy luật của các hiện tượng thời tiết cực đoan; công tác phòng, chống thiên tai mới chỉ tập trung vào ứng phó sự cố, chưa chú trọng đến phòng ngừa; công tác cứu trợ còn chồng chéo; công tác tìm kiếm cứu nạn còn thiếu trang thiết bị chuyên dùng và lực lượng chuyên nghiệp. Từ đó, cần củng cố các cơ quan nghiên cứu về BĐKH; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi công nghệ ứng phó với BĐKH, đặc biệt là công nghệ dự báo, cảnh báo; đánh giá các công nghệ ứng phó với BĐKH và áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với BĐKH có tiềm năng và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Các giải pháp thích ứng với BĐKH phần lớn mới tập trung vào các giải pháp công trình như xây dựng đê, kè, nâng cao cốt nền, ... Các giải pháp phi công trình như quy hoạch, trồng rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng, quy hoạch đô thị… tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đủ. Do vậy, cần đánh giá nhu cầu công nghệ thích ứng với BĐKH phù hợp với điều kiện của Việt Nam; tăng cường hợp tác với Mạng lưới Trung tâm Công nghệ Khí hậu (CTCN) khu vực và toàn cầu.

Chưa có hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) hoạt động thích ứng với BĐKH ở cấp dự án, cấp ngành và cấp quốc gia. Thời gian tới, cần tập trung thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) các hoạt động thích ứng với BĐKH ở cấp quốc gia, cấp ngành và cấp dự án. Cụ thể, Ủy ban quốc gia về BĐKH chỉ đạo, thúc đẩy sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối, vận hành hệ thống, xây dựng bộ chỉ số đánh giá dựa trên kết quả của dự án, hướng dẫn xây dựng và báo cáo theo nhóm chỉ số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lồng ghép nội dung báo cáo dựa trên kết quả và mẫu báo cáo dự án sử dụng kinh phí từ ngân sách và nguồn vốn ODA.

Thị trường bảo hiểm đã hình thành trong những năm gần đây nhưng chưa thực sự phát triển, đặc biệt là bảo hiểm thiên tai và BĐKH do tính rủi ro cao. Do vậy,  cần có sự rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng phát thải thấp và xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh.

Nhận thức của cán bộ và cộng đồng trong quản lý thiên tai và thích ứng với BĐKH đã được chú trọng tăng cường nhưng vẫn còn hạn chế. Giải pháp là xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, đào tạo lại cán bộ về công tác ứng phó với BĐKH; chương trình giảng dạy, cập nhật kiến thức về ứng phó với BĐKH; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH.

Đối với các nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức: nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao; thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ; chính sách giá năng lượng còn bất cập. Giải pháp là phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý: huy động tối đa nguồn thuỷ điện; ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành hợp lý; khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển điện than ở mức hợp lý với các tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện; đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Vốn đầu tư ban đầu cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là cao; thị trường công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn hạn chế; cơ chế hỗ trợ tài chính hiện có chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Giải pháp là: Xây dựng các cơ chế, chính sách, phương thức khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động thành phần kinh tế doanh nghiệp; Hợp tác với các đối tác phát triển xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ thực hiện NDC cập nhật và Thỏa thuận Paris về BĐKH; Xây dựng khung thể chế, chính sách phù hợp để đảm bảo hiệu lực phối hợp liên vùng, liên tỉnh trong huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế nói chung và cho ứng phó với BĐKH nói riêng, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hoàn thiện hệ thống chính sách ứng phó với BĐKH nói chung, hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo nói riêng, để huy động doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến mô hình hợp tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực liên quan đến ứng phó với BĐKH; Xác định nhu cầu, mức thiếu hụt, mức độ ưu tiên đầu tư từ khu vực công và khu vực doanh nghiệp, các trở ngại cần tháo gỡ để khai thông nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với BĐKH; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và áp dụng các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và các công cụ khác.

Chưa có hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia và cấp ngành; Quy định về tiêu chuẩn công nghệ, dán nhãn thiết bị đã có hiệu lực, song việc thực hiện còn chậm; chưa có quy định chặt chẽ về danh mục dán nhãn cũng như tiêu chuẩn cho các loại thiết bị, máy móc; nhận thức về sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các biện pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính còn hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, cần thiết lập hệ thống MRV các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia và cấp ngành. Cụ thể, Ủy ban quốc gia về BĐKH chỉ đạo, thúc đẩy sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối cho hệ thống MRV quốc gia, tổ chức vận hành hệ thống. Các Bộ, ngành liên quan phụ trách và vận hành hệ thống MRV cấp ngành.

Chưa có cơ chế chính sách cụ thể để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế. Giải pháp trong thời gian tới là xây dựng danh mục các dự án ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh có khả năng huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, bao gồm các dự án ưu tiên triển khai thực hiện các cam kết trong NDC cập nhật theo các phương thức đầu tư khác nhau để huy động nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế. Tăng cường năng lực cho các Bộ trong hỗ trợ các thủ tục, xử lý và giải quyết để các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài đơn giản và dễ dàng hơn.

Thể chế, chính sách về quản lý và hỗ trợ xử lý chất thải chưa hoàn thiện, còn chồng chéo và chưa được thực thi triệt để; tổ chức quản lý chất thải chưa thống nhất ở cả cấp trung ương và cấp địa phương với mô hình mang tính riêng biệt từng đô thị; đầu tư cho xử lý chất thải còn ít, chưa cân đối và định mức rất thấp. Do vậy, cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế, như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường... nhằm khuyến khích tái sử dụng, tái chế xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải, áp dụng công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây