TT Truyền Thông - Tài nguyên và Môi trường

https://monremedia.vn


Đảm bảo quyền lợi với các-bon từ rừng cho cộng đồng địa phương

Chỉ có 5 quốc gia gồm: Costa Rica, Indonesia, Mexico, Philippines và Việt Nam có cơ chế xác định các cách thức chia sẻ lợi ích của các-bon từ rừng và phi các-bon theo yêu cầu của cơ chế REDD+. Duy nhất Việt Nam được xác minh là đã áp dụng một phần cơ chế này.

Thông tin được đưa ra trong báo cáo phân tích mới nhất của Tổ chức Sáng kiến Quyền và Nguồn lực (RRI) và các học giả tại Đại học McGill. Báo cáo chỉ ra, phần lớn các quốc gia có rừng nhiệt đới đang kiếm lợi từ thị trường các-bon rừng quốc tế, nhưng quyền lợi của dân tộc bản địa, cộng đồng địa phương, đặc biệt là những tộc người gốc Phi đối với các-bon trong các vùng đất và lãnh thổ truyền thống của họ lại không được thừa nhận trong luật và trong thực tiễn

Việc thiếu các quyền rõ ràng này gây ra nhiều rủi ro cho cả phía các cộng đồng và các nhà đầu tư, tạo ra vùng xám, không rõ ràng về việc ai sẽ được hưởng lợi từ thị trường carbon, bù đắp carbon và các chiến lược giảm phát thải.

Phần lớn các quốc gia nắm giữ nhiều diện tích rừng nhiệt đới chưa thừa nhận quyền lợi của dân tộc bản địa, cộng đồng địa phương đối với các-bon trong các vùng đất và lãnh thổ truyền thống của họ

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ở 31 các quốc gia Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh – vốn nắm giữ gần 70% diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới, đồng thời, đại diện cho ít nhất 62% của tổng tiềm năng giải pháp ứng phó BĐKH dựa vào tự nhiên, chủ yếu là bù đắp các-bon từ phát triển và bảo vệ rừng.

Mỗi quốc gia được đánh giá về mức độ chuẩn bị cho thành lập thị trường các-bon. Các thị trường này cho phép các nước bán tín chỉ các-bon và bên mua là Chính phủ và các công ty nhằm đạt được các yêu cầu nghĩa vụ, hạn mức giảm phát thải.

Kết quả cho thấy về tổng thể, rất ít nước trong số 31 quốc gia công nhận các quyền các-bon của cộng đồng, và thậm chí số nước đã thử nghiệm mức độ khả thi về áp dụng và chính trị của các quy tắc hiện hành còn ít hơn. Chỉ 3/31 quốc gia có công nhận rõ ràng các quyền của cộng đồng đối với các-bon trên vùng đất thuộc sở hữu hoặc được chỉ định dành cho cho các cộng đồng (Ethiopia, Peru, Cộng hòa Congo).

Chỉ có 5 quốc gia (Costa Rica, Indonesia, Mexico, Philippines và Việt Nam) có cơ chế xác định các cách thức chia sẻ lợi ích các-bon và phi các-bon theo yêu cầu của cơ chế REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng). Duy nhất Việt Nam được xác minh là có áp dụng một phần.

Chỉ có 3 quốc gia (Brazil, Colombia, Costa Rica) gắn quyền các-bon với nhiều dạng sở hữu đất hoặc rừng khác nhau (bao gồm các vùng đất thuộc sở hữu hợp pháp của dân tộc bản địa, cộng đồng địa phương và nhóm người gốc Phi), thiết lập quyền sở hữu của họ đối với các-bon trong vùng đất của họ.

Mặc dù có tới 19 trong số 31 quốc gia có cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại để hỗ trợ việc tham gia vào cơ chế REDD+, bảo vệ các cộng đồng và đảm bảo công bằng và minh bạch các giao dịch carbon. Nhưng thực tế, chỉ có Costa Rica và Mexico áp dụng các cơ chế này.

Trong bối cảnh Chính phủ các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh nhiều giải pháp giảm phát thải và mở rộng nhanh chóng thị trường các-bon toàn cầu, các giải pháp dựa vào tự nhiên đang thu hút đầu tư lớn của cả khối Nhà nước và tư nhân, trong đó có REDD+. Phần lớn tín chỉ các-bon rừng đang được giao dịch trên thị trường tự nguyện, nơi mà các thỏa thuận thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải và tài trợ của các tổ chức, quỹ phát triển. Tại Việt Nam, mới đây nhất có Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng với tổng giá trị là 51,5 triệu USD.

Ngay cả khi quyền đất đai được pháp luật thừa nhận, quyền cộng đồng đối với các-bon, cũng như lợi nhuận thu về từ “hàng hóa” các-bon vẫn chưa được đảm bảo chắc chắn và dễ bị bóp méo. Theo ông Alain Frechette, Giám đốc Phân tích Chiến lược của RRI, nếu thiếu đi các biện pháp bảo vệ pháp lý đầy đủ, thì nhu cầu ngày càng lớn về các giải pháp thuận tự nhiên sẽ tạo ra nguy cơ khuyến khích việc chiếm đất và thu giữ các-bon của chính quyền và bên thứ ba - ngay cả ở những nơi mà người dân địa phương sở hữu đất và rừng liên quan. Điều quan trọng là các nhà lập pháp và những người ủng hộ khí hậu phải đấu tranh cho quyền của các dân tộc sinh sống trong rừng, coi đây là nền tảng cơ bản cho các hành động khí hậu thuận tự nhiên hiệu quả, công bằng và bền vững.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị, tất cả các giải pháp dựa vào tự nhiên có liên quan đến các-bon rừng phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về đảm bảo công nhận chính thức đất sở hữu truyền thống, rừng và quyền carbon của các cộng đồng, có sự bảo vệ của luật pháp; Đảm bảo tôn trọng các quyền này, tôn trọng quyền tự quyết của cộng đồng và họ được thông tin kỹ lưỡng trước khi hoạt động diễn ra; thiết lập một cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại liên quan; thiết lập một cơ chế chia sẻ lợi ích rõ ràng, minh bạch với các cộng đồng nhằm đền bù công bằng cho các chủ sở hữu đất và rừng theo những đóng góp của họ trong giảm thiểu khí nhà kính, và cho phép họ chọn tham gia hoặc không tham gia vào chương trình pháp lý được đề xuất.

Việc đầu tư mạnh mẽ vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học chưa bao giờ cấp bách như hiện nay. Nhưng nếu không đảm bảo quyền cộng đồng, các giải pháp ứng phó BĐKH dựa vào tự nhiên có thể sẽ không mang lại tác động mong muốn.

Nguồn Báo TNMT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây