Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Quản lý đất đai Việt Nam

Thứ hai - 05/10/2020 05:22

Sáng 2/10, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai đã long trọng tổ chức buổi ặp mặt kỷ niệm 75 Ngày truyền thống Ngành Quản lý đất đai (3/10/1945 - 3/10/2020). Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đến dự buổi lễ.

Đến dự buổi gặp mặt có: Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực, Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý ruộng đất, Tổng cục Địa chính qua các thời kỳ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Tổng cục Quản lý đất đai.

2 35

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt 

Những thành tựu nổi bật 75 năm Ngành Quản lý đất đai Việt Nam

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, trong không khí lịch sử hào hùng của Cách mạng tháng Tám, ngày 03/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41, mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bắt đầu đánh dấu cho quá trình xây dựng, trưởng thành của ngành Quản lý đất đai Việt Nam.

Ngay sau khi được thành lập, trong từng thời kỳ lịch sử, Ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành, thực hiện những chủ trương, chính sách giải quyết đúng đắn các quan hệ đất đai, đảm bảo thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, phù hợp mục tiêu phát triển của đất nước, đáp ứng lợi ích của Nhân dân. Từ chủ trương giao khoán ruộng đất đến chính sách giao đất ổn định lâu dài đã tạo thành động lực to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển xã hội nông thôn, đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới.

Những chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đổi mới, nhất là công nhận quyền của người sử dụng đất là hàng hóa, tài sản đặc biệt, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, định giá đất,... đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành, phát triển thị trường bất động sản; tài nguyên đất đai trở thành nguồn lực được phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu... phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Thành tựu của Ngành là kết quả của quá trình xây dựng, vun đắp, phát triển với nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản lý đất đai, sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát của Đảng, Nhà nước; là thành công của tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các Ban, Bộ, ngành và đối tác quốc tế.

2

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến phát biểu tại buổi gặp mặt 

Nhân dịp này cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đối với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ, nguyên lãnh đạo Bộ, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục qua các thời kỳ, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành; những thành quả mà Ngành đã đạt được là sự nỗ lực phấn đấu, sự hy sinh gian khổ của rất nhiều thế hệ cán bộ, người lao động đã từng nhiều năm đồng cam cộng khổ trên mỗi bước đường xây dựng và phát triển của ngành, chúng ta tôn vinh, ghi nhớ công lao, đóng góp, công hiến to lớn của các thế hệ cha, anh”- Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến nói.

Nhiệm vụ của Ngành Quản lý đất đai trong những năm tiếp theo còn rất nặng nề, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, đồng chí Tổng cục trưởng mong rằng các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành sẽ tiếp tục không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ phấn đấu đưa công tác quản lý đất đai ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Nhân dân.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống tự hào của Ngành quản lý đất đai trong suốt 75 năm qua. Các đồng chí nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Bùi Xuân Sơn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Ruộng đất Tôn Gia Huyên đã có những chia sẻ với Ngành quản lý đất đai về những kết quả trong những năm qua. Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới, Ngành sẽ phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

1

Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực phát biểu tại buổi gặp mặt

2

Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại buổi gặp mặt

5

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Bùi Xuân Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt

Đoàn kết, sáng tạo xây dựng ngành Quản lý đất đai ngày càng phát triển vững mạnh

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân biểu dương và chúc mừng những thành tựu đã đạt được của ngành Quản lý đất đai trong suốt 75 năm qua. Trải qua những chặng đường lịch sử, Ngành Quản lý đất đai đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành vững chắc, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 “Nhìn lại chặng đường 75 năm lịch sử phát triển của Ngành cũng chính là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ làm công tác Quản lý đất đai hôm nay. Những thành quả mà Ngành đã đạt được hôm nay là sự nỗ lực phấn đấu, sự hy sinh gian khổ của rất nhiều thế hệ cán bộ, người lao động đã từng nhiều năm đồng cam cộng khổ trên mỗi bước đường xây dựng và phát triển của Ngành. Nhân dịp này, chúng ta ghi nhận và tôn vinh công lao, đóng góp to lớn của các thế hệ cha, anh, những cống hiến quý báu của các thế hệ trước đây sẽ mãi mãi được ghi nhớ. Thế hệ các cán bộ ngành Quản lý đất đai hôm nay sẽ ra sức phấn đấu, không ngừng học tập, sáng tạo xây dựng ngành Quản lý đất đai ngày một phát triển và vững mạnh, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.” – Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Quản lý đất đai là vấn đề hệ trọng, mang tính tổng hợp cả về kinh tế và chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất quan tâm. Giải quyết đúng đắn chính sách đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần quan trọng để đạt được những thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng nước ta. Để đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị toàn thể cán bộ nhân viên ngành Quản lý đất đai phải đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai thông qua việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương, tổng kết thi hành Luật Đất đai; tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thi hành pháp luật về đất đai; đánh giá tác động của các chính sách, pháp luật đất đai đối với phát triển kinh tế, xã hội; nghiên cứu xây dựng Bộ Luật Đất đai.

Hai là, xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến 2045 đáp ứng với yêu cầu an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh đảm bảo nguồn lực đất đai được sử dụng một cách có hiệu quả bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của hệ thống dữ liệu quốc gia; xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng hiện đại, chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử; tổ chức việc quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thông tin đất đai; cập nhật, chỉnh lý kịp thời các dữ liệu địa chính, điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và các dữ liệu khác thuộc cơ sở dữ liệu đất đai.

3

Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến cùng lãnh đạo Tổng cục chụp ảnh lưu niệm với các nguyên lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai 

Bốn là, tập trung điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng đất đai toàn quốc, trong đó chú trọng việc điều tra các vùng đặc thù về thoái hóa, xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, ô nhiễm đất phục vụ quản lý, sử dụng đất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế xã hội.

Năm là, hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp theo công nghệ tiên tiến trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lồng ghép với các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu;

33

Toàn cảnh buổi gặp mặt 

Sáu là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát biến động tài nguyên đất đai và việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ưu tiên giám sát việc quản lý, sử dụng đất chuyên trồng lúa, đất rừng góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp.

Bảy là, hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai với các yêu cầu cụ thể như hệ thống định giá đất trở thành công cụ tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Tám là, kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy tổ chức cho Ngành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu quả, đủ năng lực thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực.

Chín là, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đất đai nhằm cung cấp những luận cứ khoa học để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm các giải pháp khoa học - công nghệ trong quản lý và sử dụng đất đai bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Thứ trưởng tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp trong suốt 75 năm qua, ngành Quản lý đất đai sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết đổi mới sáng tạo vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.

Ngành Quản lý đất đai Việt Nam - 75 năm xây dựng và phát triển

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một trang sử mới của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ. Trong những ngày tháng lịch sử hào hùng đó, ngày 3/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41-SL đặt nền móng quan trọng cho việc ra đời của quản lý đất đai thuộc nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trải qua những chặng đường lịch sử, ngành Quản lý đất đai đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Ngay thời kỳ đầu thành lập với đội ngũ cán bộ còn ít, điều kiện hoạt động còn hạn chế nhưng Ngành đã nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai nói chung, đặc biệt là chính sách về ruộng đất đối với nông nghiệp, nông dân. Những quyết sách đúng đắn đã trở thành động lực quan trọng, hết sức to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo thành khối liên minh công nông vững chắc là cơ sở cho quá trình phát triển đất nước. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Ngành đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để phục vụ phân vùng sản xuất tạo điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lớn, đồng thời tạo điều kiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như thuỷ lợi, giao thông xây dựng đồng ruộng. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác quản lý đất đai tập trung nhiệm vụ củng cố kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, tập trung và phát huy tư liệu sản xuất, gắn với xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật... qua đó đã góp phần tạo những bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, các hoạt động của Ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, công tác xây dựng thể chế ngày càng được đẩy mạnh, hệ thống chính sách về đất đai ngày càng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nguồn lực đất đai đã trở thành nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, đất đai được sử dụng ngày càng có hiệu quả, được phân bổ hợp lý cho các ngành, lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, tổ chức Ngành đã không ngừng lớn mạnh được kiện toàn tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động của Ngành quản lý đất đai đã đạt được nhiều thành tựu quan trong góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước nắm chắc, quản chặt, khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai. Những chủ trương chính sách đúng đắn đã góp phần quan trọng giải phóng nguồn lực đất đai đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xoá đói giảm nghèo... thành tích của Ngành được thể hiện trên một số thành tựu nổi bật đó là:

Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn được Ngành quan tâm thực hiện, theo đó đã bàn hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ (Luật đất đai 1987, 1993, Luật sửa đổi, bổ sung năm 1998, 2001, Luật đất đai năm 2003 và 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành), góp phần giải quyết hầu hết các quan hệ đất đai, xóa bỏ nhiều rào cản, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, phát huy nguồn lực đất đai và đảm bảo quyền của người sử dụng đất...

Công tác quản lý nhà nước về đất đai đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nếu như trong các năm từ 1976 - 1980,  nước ta phải nhập 5,6 triệu tấn gạo thì đến năm 2005, nước ta đã xuất khẩu được 5 triệu tấn và năm 2014 số lượng gạo xuất khẩu là hơn 6 triệu tấn, đến năm 2019 xuất khẩu gạo đã đạt 6,34 triệu tấn và thu nhập của dân cư nông thôn năm 2019 đạt 39,3 triệu đồng; bên cạnh đó trước yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, phát triển của khoa học công nghệ, năng suất cây trồng, Ngành đã báo cáo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép giảm diện tích đất trồng lúa xuống còn 3,76 triệu ha, diện tích đất chuyên trồng lúa là 3,1 triệu ha vừa để đảm bảo phù hợp với tiến trình phát triển trong tình hình mới, nhưng cũng vẫn đảm bảo và duy trì an ninh lương thực quốc gia; đồng thời cho phép chuyển đổi linh hoạt khoảng trên 400 nghìn ha đất trồng lúa để đảm bảo chủ động trước tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập cho nông dân.

Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm căn cứ để nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển, quốc phòng, an ninh, thông qua quy hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, phân bổ và chủ động dành quỹ đất hợp lý đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, các khu dân cư..., góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội của cả nước và các địa phương.

Hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH12 của Quốc hội, góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của người sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt trên 97% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.

Nguồn lực về đất đai được phát huy, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của nhà nước, chủ đầu tư; nguồn thu từ đất không ngừng tăng qua các năm, nếu năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất, tổng thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm thì đến năm 2019 đã đạt trên 191,5 nghìn tỷ đồng, trung bình nguồn thu từ đất đóng góp từ 12% đến 15% cho ngân sách, cá biệt có những nơi nguồn thu từ đất chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, phối hợp liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đất đai để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đến nay 100% các huyện trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau...

Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai được thực hiện hiệu quả làm căn cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hợp tác quốc tế trọng lĩnh vực quản lý đất đai ngày càng rộng mở, hiện nay, ngành quản lý đất đai đã có quan hệ hợp tác với trên 30 quốc gia và tổ chức quốc tế; với nhiều chương trình, dự án....

Nguồn Monre.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây