Đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp

Thứ ba - 29/10/2019 04:59

Thực hiện Luật Đất đai và Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, của các tổ chức và cá nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Nghị định. Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong nhận được ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân cho dự thảo Nghị định này.

Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu một số nội dung chính liên quan đến dự thảo Nghị định và đăng tải dự thảo xin ý kiến gồm: (i) Dự thảo Nghị định; (ii) Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ; Các ý kiến góp ý tại đây.

Các nội dung chính liên quan đến dự thảo Nghị định như sau:

Sự cần thiết ban hành Nghị định

Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng” và tiếp tục khẳng định trong văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Như vậy, việc tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong những năm qua việc tích tụ, tập trung ruộng đất đã diễn ra với các hình thức và bước đi đa dạng, sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất còn có khó khăn, vướng mắc, việc thực hiện còn chưa mang lại hiệu quả. Để việc tập trung, tích tụ đất đai được thực hiện có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng đất đai thì cần có hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định này là cần thiết, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 23, khoản 2 và khoản 3 Điều 73, khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai năm 2013 và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp dựa trên các quan điểm sau đây:

Một là, tiếp tục thể chế Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Kết luận số 36-KL/TW ngày 06 tháng 9 năm 2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI.

Hai là, tuân thủ, phù hợp và thống nhất với quy định của Hiến pháp, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.

Ba là, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời phải góp phần ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Coi trọng vấn đề quyền, lợi ích lâu dài và bền vững của người nông dân; đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, nhà nước và nhà đầu tư; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bốn là, quy định chi tiết những điều, khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ, đồng thời quy định cụ thể những nội dung mới phát sinh trong thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, sử dụng đất.

Mục đích của việc ban hành Nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tự phát; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao đời sống người sử dụng đất.

Về bố cục, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp gồm 4 chương 28 điều, cụ thể như sau:

Chương 1. Những quy định chung (gồm 07 Điều, từ Điều 1 đến Điều 7).

Chương 2. Cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp (gồm 08 Điều, từ Điều 8 đến Điều 15).

Chương 3. Trình tự thực hiện các phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp (gồm 08 Điều, từ Điều 16 đến Điều 23).

Chương 4. Điều khoản thi hành (gồm 05 Điều, từ Điều 24 đến Điều 28)

1

Ảnh minh họa

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

Về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh là các cơ chế, chính sách, trình tự và trách nhiệm thực hiện nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về đối tượng áp dụng: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết gồm 03 nhóm đối tượng: (i) Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.; (2) Tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã), hộ gia đình, cá nhân; (3) Các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến tập trung, tích tụ đất đai.

Về giải thích từ ngữ: Quy định về giải thích từ ngữ mà pháp luật đất đai hiện hành chưa có như “tập trung đất nông nghiệp”, “tích tụ đất nông nghiệp”, “dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp”, “liên kết, hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp”, nhằm giúp cho việc hiểu và thi hành một cách thống nhất.

Về nguyên tắc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp: Dự thảo Nghị định quy định cụ thể 05 nguyên tắc khi thực hiện việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp: (i) Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của các tổ chức, cá nhân có liên quan; (ii) Bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng; (iii) Tuân thủ các nguyên tắc dân sự, nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; (iv) Dựa trên đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất; (v) Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao đời sống người sử dụng đất.

Về tiêu chí xác định nhà đầu tư tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Dự thảo quy định tiêu chí xác định nhà đầu tư tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho từng đối tượng (hộ gia đình, cá nhân và tổ chức kinh tế) và theo hai tiêu chí (quy mô diện tích và thời hạn thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh). Trên cơ sở đó, giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định quy mô diện tích đất nông nghiệp tập trung, tích tụ để tổ chức sản xuất nông nghiệp được áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo quy định tại Nghị định này để phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm các bên (nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất) khi tham gia thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.

Về cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp: Dự thảo đề xuất các nội dung như: Hỗ trợ địa phương xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; việc sử dụng đất khi thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin đất đai và giao kết các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất; quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; quy định về bảo hiểm rủi ro trong tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ người sử dụng đất nông nghiệp đã chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Về trình tự thực hiện các phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, dự thảo Nghị định quy định các bước gồm: Dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; Thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp; Liên kết, hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Trình tự tập trung đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; Trình tự tập trung, tích tụ đất nông nghiệp của Trung tâm phát triển quỹ đất.

Về xử lý chuyển tiếp và trách nhiệm của các Bộ, ngành,địa phương, Nghị định quy định xử lý đối với các trường hợp đã dồn điền, đổi thửa nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận; giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương để tổ chức triển khai thực hiện nghị định.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây