Thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Hiện thực hóa các mục tiêu bảo vệ môi trường

Thứ tư - 18/11/2020 00:27
Hôm qua, 17/11, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành. Việc Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10 thêm một lần nữa khẳng định một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
1
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 17/11/2020 khi thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 

Thực tiễn cho thấy, suốt một thời gian dài phát triển, những biến đổi phức tạp về môi trường cũng theo đó nảy sinh, chất lượng môi trường tại một số nơi đã không còn khả năng tiếp nhận chất thải… Thêm vào đó, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững cũng cần sớm được thể chế hóa; thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường.

Theo đó, môi trường dần trở thành vị trí trung tâm của phát triển bền vững. Vì vậy, yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng khung chính sách hướng đến việc hình thành một đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Và việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đánh dấu bước tiến mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Một yêu cầu khác trong quản lý là cần thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về môi trường. Trước đây, công tác này phân tán tại một số Bộ, ngành như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…; nay thống nhất đầu mối về Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời, chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp và người dân.

1

Các vị Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chiều ngày 17/11/2020 - Ảnh: Quochoi.vn

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới được thống qua đã chỉ rõ những vấn đề về môi trường tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và đưa ra biện pháp cụ thể. Đơn cử như việc cải cách thủ tục hành chính. Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 75 ngày; Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, hình thành giấy phép môi trường trên cơ sở tích hợp 7 loại giấy phép chuyên ngành

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính không có nghĩa là buông lỏng kiểm soát môi trường. Để bảo đảm chất lượng môi trường sống cho người dân, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn đặt mức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cao hơn, ngang với các nước phát triển.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng cụ thể hóa các yêu cầu về tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan. Đây là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Kết quả tham vấn phải được thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến của đối tượng được tham vấn. Chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn. Đồng thời Chính phủ sẽ quy định chi tiết các nội dung này để phù hợp với thực tiễn yêu cầu thực hiện việc tham vấn trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các loại dự án có quy mô, mức độ, phạm vi ảnh hưởng khác nhau.

2

Các vị Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn 

Cho đến thời điểm này, những vấn đề về phát triển và bảo vệ môi trường thực sự không còn là cảnh báo nữa, mà nhiều nơi, nhiều địa phương đã là nguy cơ hiện hữu. Bởi thế, khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực, chúng ta sẽ bớt đi và chấm dứt cảnh các địa phương chỉ mê mải với thu hút đầu tư, với những con số tăng trưởng “ảo”, mà quên đi môi trường.

Khi Luật được thực thi, sẽ dần tiến tới chấm dứt nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của các nước, sẽ bớt đi những mối lo tổn hại về môi trường trong quá trình đầu tư, khai thác, phát triển.

Khi Luật được thực thi, sẽ không còn những “khoảng trống cần lấp” trong mỗi dự án, mỗi quyết định đầu tư. Cũng theo đó, góp phần giảm bớt tham nhũng, khiếu kiện, tội phạm, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, tai nạn giao thông, quá tải bệnh viện…

Khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm mà Chính phủ đặt ra trong suốt nhiệm kỳ của mình. Đó là khác biệt rất lớn. Trong rất nhiều các chỉ đạo, điều hành, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương ngăn chặn dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất nguy cơ cao gây ô nhiễm. Và sắp tới đây, khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực, những mục tiêu lớn của Chính phủ sẽ dần được cụ thể hóa.

Nguồn Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây