Kinh tế tuần hoàn là quy luật tất yếu

Thứ năm - 18/02/2021 21:59
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là không phát sinh chất thải, khép kín các dòng vật chất và năng lượng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường, đem lại giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển bền vững. Phát triển KTTH không bao giờ muộn nếu chúng ta có quyết tâm và những giải pháp cụ thể.

 

Đây là nhận định của GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Liên ngành Xây dựng kiến trúc (của Hội đồng Giáo sư Nhà nước). Ông vừa vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2019, đồng thời, là Trưởng nhóm Nghiên cứu về Kỹ thuật và hệ thống không phát thải (Zero emission techniques and system – ZETS).

Nhân dịp xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Lê Thanh Hải (ảnh) về việc phát triển KTTH tại Việt Nam, đặc biệt là khi Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong đó có dành một Điều quy định về KTTH.

PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về lần đầu tiên khái niệm KTTH được quy định cụ thể trong một bộ Luật tại Việt Nam -  Luật Bảo vệ môi trường năm 2020?

GS.TS Lê Thanh Hải:

Việc Đảng, Nhà nước xác định KTTH là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy định tại một Điều riêng trong Luật Bảo vệ môi trường chính là một bước tiến rất lớn của Việt Nam. Đặc biệt, Điều quy định về KTTH này (Điều 142) còn được đặt trong Chương về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường với nhiều quy định hỗ trợ cụ thể sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển KTTH tại Việt Nam.

1

GS.TS Lê Thanh Hải 

Hiện nay, xu hướng của thế giới là tiết kiệm tài nguyên, trong đó, chất thải được coi là một dạng tài nguyên, đặc biệt là những nước không giàu tài nguyên như Nhật Bản, Đức… Họ là những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng KTTH, không có thứ gì quăng ra ngoài đường, họ tận dụng tuyệt đối. Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng của thế giới, KTTH là một điều tất yếu.

PV: Theo Giáo sư, Việt Nam phát triển KTTH, cũng như đến giờ mới đưa khái niệm này vào Luật liệu có muộn, chậm so với các quốc gia khác? Việc nhân rộng KTTH tại Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức gì và đâu là giải pháp?

GS.TS Lê Thanh Hải:

Xây dựng nền KTTH không bao giờ là chậm, là muộn. Chúng ta là quốc gia đi sau, đang phát triển, nhưng chúng ta được thừa hưởng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhưng, muốn làm được điều này chúng ta phải ghép nối những thành phần với nhau, bởi nếu chỉ có những giải pháp rời rạc thì không giải quyết được vấn đề. Cả xã hội phải tham gia vào để khép kín hết các dòng vật chất và năng lượng, tạo ra những sản phẩm ưu việt, có giá trị kinh tế và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, KTTH mới chủ yếu được áp dụng ở các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, 90% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhiều làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình… sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, doanh nghiệp, người dân luôn cân nhắc giải bài toán lợi nhuận và môi trường.

Cho nên, khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay là làm thay đổi nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về mô hình và giá trị, lợi ích của KTTH. Vẫn biết, tại các nước đang phát triển, việc đầu tiên là lo cái ăn, anh phải làm thế nào đó để giải quyết câu chuyện kinh tế trước rồi mới kết hợp bài toán môi trường. Đây là câu chuyện chung, nhưng nếu mình thuyết phục được doanh nghiệp và người dân nếu thực thi KTTH sẽ tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thiểu chất thải, tạo ra các giá trị kinh tế hơn so với trước; đồng thời, nếu Nhà nước tạo ra những mô hình sản xuất áp dụng KTTH có giá thành rẻ, dễ áp dụng… thì chắc chắn họ sẽ hưởng ứng.

Ví dụ, những mô hình KTTH mà tôi đã chuyển giao tại các khu và cụm dân cư tập trung, các làng nghề, các khu vực chăn nuôi tập trung tại khu vực ĐBSCL. Ban đầu, để thuyết phục người dân áp dụng mô hình KTTH mà chỉ nói về tác dụng giảm ô nhiễm môi trường chung chung thì cũng không có nhiều tác dụng. Nhưng, khi được cam kết, nếu áp dụng mô hình KTTH, không chỉ giảm ô nhiễm mà còn tận dụng được chất thải, có phân bón để trồng cây, có điện thắp sáng, có khí gas để nấu ăn, không phải mua điện, mua củi nữa,… mỗi tháng có thể tiết kiệm cho họ được 1 - 2 triệu đồng là họ vui và hưởng ứng ngay. Đối với các nhà máy sản xuất công nghiệp mà chúng tôi đã làm việc cũng vậy, lúc đầu họ còn e dè, nhưng sau đó việc áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng (nền tảng của KTTH trong sản xuất công nghiệp) không những giúp họ xử lý chất thải bảo vệ môi trường, mà còn giúp họ tạo ra lợi nhuận gia tăng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng một năm, đây là những minh chứng rất rõ ràng và hấp dẫn với họ.

5

 

Ngoài ra, hiện nay, rất nhiều người không hiểu KTTH là gì, họ tưởng là tuần hoàn dòng tiền tệ, họ hiểu là cái gì đó liên quan đến kinh tế chứ không phải là giải pháp kỹ thuật. Nhiều người khác thì chỉ hiểu biết về KTTH như các khái niệm lý thuyết chung chung, do họ chưa có điều kiện thực hành các giải pháp kỹ thuật thực tế về KTTH…

 Ở nhóm nghiên cứu về Kỹ thuật và hệ thống không phát thải (ZETS), chúng tôi đã có điều kiện thực hành và chuyển giao các giải pháp KTTH cho các đối tượng khác nhau gần 20 năm nay như đã nói ở trên. Vừa qua, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), đây cũng sẽ là một đơn vị sẽ có những đóng góp trong phát triển KTTH tại Việt Nam.

PV: Theo Giáo sư, Nhà nước cần có hành động gì tiếp theo để đẩy mạnh phát triển nền KTTH?

GS.TS Lê Thanh Hải:

Để phát triển KTTH, tôi mong rằng Chính phủ cần có những hành động cụ thể. Ví dụ, đưa ra Chiến lược, Kế hoạch phát triển KTTH đất nước trong giai đoạn 5 năm. Trong đó, sẽ đưa được giải pháp, chương trình để phát triển trong từng năm một, ví dụ trước mắt sẽ làm gì ở tầm quốc gia, sau đó đến các Bộ ngành, rồi đến các địa phương và cuối cùng ở tầm vi mô hơn như doanh nghiệp, làng nghề, hộ dân… Trước mắt, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó, quy định chi tiết các nội dung liên quan đến KTTH để sớm đưa Luật vào cuộc sống.

Các công trình nghiên cứu về KTTH do GS.TS Lê Thanh Hải thực hiện được áp dụng rộng rãi đem lại hiệu quả cao như: Nghiên cứu phát triển và hoàn thiện các mô hình sản xuất công nông nghiệp theo hướng sinh thái khép kín; Mô hình khu và cụm dân cư không phát thải; Mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành chế biến thủy sản; Mô hình sinh thái nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân tại những khu vực sinh thái tự nhiên đặc biệt khó khăn ở ĐBSCL; Mô hình trang trại sinh thái khép kín hướng đến du lịch sinh thái và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường,...

Là tác giả chính của 10 bài báo hạng Q1 trên tạp chí quốc tế thuộc hệ thống WoS, hơn 30 công trình chuyển giao cho doanh nghiệp và người dân, khoảng 30 đề tài NCKH các cấp (Nhà nước, Bộ, tỉnh thành), hướng dẫn cho 6 nghiên cứu sinh, trên 50 thạc sĩ, chủ biên nhiều quyển sách chuyên khảo...

Đồng thời, khái niệm KTTH cần được lồng ghép vào các quy định khác về bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; chính sách tín dụng; chính sách xã hội… 

Ngoài ra, Chính phủ cần làm nhạc trưởng, tạo ra một hệ sinh thái Doanh nghiệp - Chính phủ - Đại học bằng việc ban hành các chính sách khuyến khích các phong trào nghiên cứu sâu rộng trong các ngành nghề, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp, tạo ra các giải pháp kỹ thuật, các mô hình KTTH ưu việt, cũng như đào tạo một đội ngũ chuyên gia có trình độ trong lĩnh vực này.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Nguồn Báo TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây