Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Đâu là điểm mới trong đánh giá tác động môi trường?

Thứ hai - 31/08/2020 22:02
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ đã tiếp thu, chỉnh lý ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47 về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Từ đó, Bộ đã chỉnh sửa một số nội dung trong dự thảo Luật, trong đó có đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
2

Bộ TN&MT chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng phân loại dự án theo các nhóm tiêu chí tác động đến môi trường

Phân loại dự án thực hiện ĐTM sơ bộ

Về nội dung đánh giá tác động môi trường quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), một số ý kiến của đại biểu quốc hội đề nghị cân nhắc sử dụng tên gọi “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” và quy định đối tượng phải thực hiện cho phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng mới được Quốc hội thông qua.

Về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư đều phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư năm 2020 quy định “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” là một nội dung của báo cáo đề xuất dự án đầu tư; đối tượng và nội dung được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Như vậy, giữa Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đang có quy định khác nhau về việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Luật Đầu tư dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về BVMT, trong khi Luật Đầu tư công quy định tất cả các dự án đầu tư công phải phê duyệt chủ trương đầu tư và phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường).

Đối với quy định tất cả dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường như Luật Đầu tư công thì trong thực tế, có nhiều dự án quy mô nhỏ, chỉ mua sắm tài sản, trang thiết bị, hoạt động báo chí cũng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường là không thực sự cần thiết; rất nhiều dự án phải quyết định chủ trương đầu tư và có đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhưng không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường (do không có tác động hoặc tác động đến môi trường rất ít) theo quy định của Luật BVMT hiện hành.

Trong khi đó, vấn đề ĐTM sơ bộ đã được Chính phủ trình Quốc hội khi xem xét cho ý kiến và thông qua Luật BVMT năm 2014. Qua 6 năm triển khai thực hiện, với những thay đổi về khoa học kỹ thuật, sự xuất hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng không thuộc đối tượng sàng lọc trong quá trình xem xét đã cho thấy, ĐTM sơ bộ cần được coi là công cụ quản lý môi trường để sàng lọc dự án đầu tư ngay trong quá trình xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bởi vậy, trong quá chỉnh lý Dự thảo Luật và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, có ý kiến đề nghị Luật BVMT cần quy định thống nhất các tiêu chí về môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến xác đáng này, Bộ TN&MT đã chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng phân loại dự án theo các nhóm tiêu chí tác động đến môi trường; đổi tên “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” để phù hợp với nguyên lý thực hiện ĐTM trên thế giới, ĐTM sơ bộ là một bước trong quá trình nghiên cứu ĐTM của chủ dự án.

Để đảm bảo tính đồng bộ, Dự thảo Luật cũng bổ sung nguyên tắc thống nhất thực hiện quy định về ĐTM sơ bộ thay cho quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong các luật khác đã được ban hành.

Cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM?

Liên quan đến thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, một số ý kiến của các đại biểu quốc hội tán thành phương án giao thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng để quản lý thống nhất và gắn với trách nhiệm theo dõi, cấp phép, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quản lý của địa phương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến thống nhất với giao thẩm quyền thẩm định ĐTM cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành nhằm tận dụng nguồn lực và cơ sở vật chất hiện có của các Bộ, ngành.

Về vấn đề này, Bộ TN&MT đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Tờ trình số 252/TTr-CP, theo đó, giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các Bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây