Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy: Sẽ tăng cường thanh kiểm tra

Chủ nhật - 01/12/2019 20:56
Để bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy năm 2020, cần tập trung khắc phục các điểm nóng gây ô nhiễm, quyết liệt đẩy mạnh thanh tra đột xuất các cơ sơ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất quán quan điểm: Các khu công nghiệp tập trung, nếu không có khu xử lý nước thải, sẽ không được hoạt động.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tại Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, diễn ra sáng 29/11, tại TP.Ninh Bình.

1

Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại phiên họp

Chủ trì phiên họp có Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến; Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.

Cùng tham dự có đại diện các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân 05 tỉnh/ thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy bao gồm: Thành phố Hà Nội; tỉnh: Nam ĐịnhHòa Bình, Ninh Bình và Hà Nam.

Vẫn lo ngại ô nhiễm môi trường nước

Phát biểu tại phiên họp, ông Đinh Văn Điến – Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy ghi nhận và đánh giá sự nỗ lực và quyết tâm của các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trong tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ 5 (2019).

2

Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến phát biểu

Việc triển khai Đề án đạt được một số kết quả nhất định, khi nhận thức của các địa phương về trách nhiệm BVMT trên toàn lưu vực được nâng lên, ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực phần nào được khống chế và cải thiện, đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật môi trường từng bước được quan tâm, hệ thống quan trắc và giám sát môi trường đang hoàn thiện...

Nhìn nhận bức tranh tổng thể về môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, ông Điến cho biết, môi trường nước Sông Nhuệ - sông Đáy tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất vẫn bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.

Trên dòng chính sông Nhuệ, tại đầu nguồn - điểm tiếp nhận nước sông Hồng (cống Liên Mạc – Hà Nội) - nước sông Nhuệ hầu như chưa bị ô nhiễm. Trên đoạn sông chảy qua Hà Nội, từ đoạn sông chảy qua khu vực Hà Đông (Phúc La) cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch, nước đã bị ô nhiễm. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất và làng nghề trong khu vực. Sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm nặng.

“Có thể thấy, nước thải sông Tô Lịch (nguồn tiếp nhận nước thải chính của toàn bộ các quận nội thành Hà Nội) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho sông Nhuệ (đặc biệt tại điểm Cầu Tó trở đi)”, ông Điển nhấn mạnh.

Cùng chung tình trạng, môi trường nước tiếp tục bị ô nhiễm ở đoạn sông chạy qua địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Trên toàn bộ đoạn sông, chỉ số chất lượng nước vào mùa khô ở mức rất kém, nước sông bị ô nhiễm nặng. Trong mùa mưa, có sự cải thiện hơn nhưng vẫn ở mức kém, nước sông chỉ sử dụng được cho mục đích giao thông thủy. Đến năm 2018, chất lượng nước cũng có sự cải thiện hơn, vào mùa khô nước sông sử dụng được cho mục đích giao thông thủy.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nam, chất lượng nước vẫn duy trì ở mức kém trong mùa khô. Tuy nhiên, đến mùa mưa, lưu lượng dòng chảy lớn nên nước sông được pha loãng các chất ô nhiễm, chất lượng nước ở mức trung bình.

Trên dòng chính sông Đáy, khu vực thượng nguồn sông Đáy – đoạn chảy qua nội thành Hà Nội, nước sông bị ô nhiễm nặng, do chịu ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Từ khu vực trung lưu đến hợp lưu sông Nhuệ - sông Đáy tại thành phố phủ Lý, mặc dù môi trường nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất và tưới tiêu nhưng do lưu lượng nước sông Đáy lớn và có sự tham gia của các nhánh sông có tác dụng điều tiết nước nên chất lượng nước ở mức trung bình. Nhìn chung, chất lượng nước sông Đáy tốt hơn sông Nhuệ. Khu vực hạ lưu, đoạn từ hợp lưu sông Nhuệ - sông Đáy đến khu vực cửa sông, chất lượng nước sông cơ bản được duy trì ở mức trung bình và tốt.

Đối mặt với hành vi xả thải tinh vi, nguy hiểm

Bàn thảo về những khó khăn trong quá trình triển khai Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, đại diện các tỉnh, thành phố thuộc Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thẳng thắn cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về BVMT trên lưu vực sông Nhuệ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cơ sở, đặc biệt là hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải với phương thức vi phạm có chiều hướng tinh vi và nguy hiểm. Trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương vẫn còn hạn chế và chưa bao quát hết.

3

Các đại biểu thảo luận tại Phiên họp

Trong khi đó, kinh phí cho sự nghiệp môi trường tại các địa phương nhìn chung đều thấp, do đó việc xây dựng các dự án về BVMT còn gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường như: đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị; quy hoạch và xây dựng bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn; xử lý nước thải bệnh viện; cải tạo những đoạn sông bị ô nhiễm nặng, nạo vét, khơi dòng những đoạn sông quan trọng, kè bờ những đoạn sông xung yếu… đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Việc này cần huy động kinh phí không chỉ là kinh phí sự nghiệp môi trường mà còn là kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường,

Bên cạnh đó, công tác trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường giữa các địa phương, giữa địa phương và trung ương đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; bên cạnh đó, còn thiếu sự phối hợp giữa các Bộ/ngành có liên quan.

Công tác thống kê, điều tra nguồn thải đã được thực hiện, tuy nhiên chưa được thực hiện thường xuyên ở cấp địa phương. Do đó, gây khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ.

Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường lưu vực sông cũng như hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường chưa cao. Ý thức đánh đổi phát triển kinh tế xem nhẹ vấn đề BVMT của một số bộ phận quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp vẫn còn diễn ra. Do đó việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường còn rất kém.

“Đơn cử, có các đối tượng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, làm tăng độ đục của dòng nước. Dù chất lượng nước có được cải thiện, song tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước vẫn nghiêm trọng”, đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nêu rõ.

4

Đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát biểu

Năm 2020, tăng cường thanh tra các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm

Trước những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến anh ninh nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, năm 2020, phải tập trung giải quyết những điểm nóng ô nhiễm môi trường tại các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

“Chúng ta kiên quyết, các khu công nghiệp không có công trình xử lý nước thải, chất thải, kiên quyết không được hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp làng nghề phải tiệm cận xử lý nước thải. Năm 2020, tăng cườn thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, cần có sự đồng bộ của ba biện pháp: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và đầu tư công nghệ quan trắc, xử lý.

5

Toàn cảnh phiên họp

Theo Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy Đinh Văn Điến, năm 2020, triển khai Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, các Bộ, ngành, địa phương sẽ đồng bộ, nghiêm túc triển khai thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn thải nước thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn thải nước thải tại mỗi địa phương trên lưu vực sông. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải và cơ chế chia sẻ thông tin nguồn thải công khai thông tin về nguồn thải trên cổng thông tin môi trường lưu vực sông.

Đồng thời, ban hành các quy định gắn trách nhiệm của Lãnh đạo địa phương và người đứng đầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý tại từng địa phương; thực thi trách nhiễm của Lãnh đạo địa phương có nguồn thải lớn nhất ra lưu vực sông sẽ chịu trách nhiệm chính trong giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra môi trường, bảo đảm không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

“Các cấp, các ngành, các địa phương cần chung tay, liên kết, chia sẻ thông tin, xử lý ô nhiễm của sông Nhuệ - sông Đáy, để cụm từ “dòng sông chết” không còn được nhắc lại”, ông Đinh Văn Điến nói.

* Ngay sau Phiên họp đã diễn ra Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Báo TN&MT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.


Tống Minh - Anh Tú
Theo: baotainguyenmoitruong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây