Chính quyền, doanh nghiệp và người dân Hà Nội cùng hành động giảm thiểu rác thải nhựa

Thứ sáu - 08/11/2019 04:07

Ngày 08/11/2019, tại Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Dự án “Không khí sạch - Thành phố xanh” (Live&Learn) và Dự án IKI Ambitious City Promises (ICLEI) tổ chức Hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa: Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân”. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, tổ hợp văn phòng nhà ở, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng. 
 

1
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Báo TNMT)

Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ các hiểu biết về các cơ hội và thách thức trong quản lý rác thải tại Hà Nội, những cách làm và kinh nghiệm hay trong quản lý rác thải của các bên liên quan tại Hà Nội. Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng tập trung thảo luận về vai trò của các các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng/tình nguyện viên) về cách thức phối hợp để có thể giảm rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng tại Hà Nội và các thành phố. Từ đó thúc đẩy việc xây dựng chính sách và các hành động cụ thể cho Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay mỗi ngày Hà Nội và TPHCM thải 80 tấn rác thải nhựa. Trong khí đó, việc tái chế rác thải nhựa hiện nay còn ít, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, chi phí cao... thường tập trung ở các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề, có thể tạo nên những gánh nặng với môi trường. Thói quen phân loại rác tại nguồn chưa được thường xuyên, dẫn đến rác thải nhựa lẫn trong các loại rác thải sinh hoạt gây khó khăn cho công tác xử lý và tái chế rác thải nhựa. Do vậy, phải có những giải pháp, thời gian qua chính quyền thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề quản lý và sử dụng túi nilon và rác thải nhựa, thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, ban hành kế hoạch phòng chống, hạn chế rác thải nhựa đến năm 2025.
Theo bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, để thay đổi thái độ của chúng ta đối với vấn đề rác thải nhựa cần có sự nỗ lực từ nhiều cấp độ từ toàn cầu đến quốc gia, từ chính phủ, doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Do đó, Hà Nội sẽ cần sự đồng hành của các đối tác quốc tế, trong đó Đại sứ quán Hà Lan sẽ cùng hành động để tìm kếm các giải pháp phù hợp. Chúng ta phải hành động và hành động nhiều hơn nữa vì những nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa.
Ngày 25/10/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về việc phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch, 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019. Cùng với đó, thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ từ năm 2020. Tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn thành phố; đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.
Hà Nội cũng sẽ cùng các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố cam kết chung tay cùng Chính phủ, UBND thành phố nói riêng và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như thành lập liên minh nói không với túi ni lông, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các hiệp hội vận động các cửa hàng, siêu thị, chuỗi nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn... không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tuyên truyền, vận động khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng tự mang bao bì, túi đựng có thể sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và nói không với túi ni lông.
2
Nhiều siêu thị đã sử dụng túi bằng chất liệu thân thiện với môi trường để đựng hàng hóa cho khách hàng khi mua sắm. Ảnh: Kim Ly

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa và túi ni lông. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các bao bì thân thiện với môi trường đặc biệt là doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường từ năm 2020. Đề xuất giải pháp tạo công ăn việc làm cho các đơn vị dừng hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì dùng từ nhựa sang sản phẩm túi thân thiện với môi trường.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Trung tâm Truyền thông TN&MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây