Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2021: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”

Thứ hai - 22/03/2021 22:45
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) quyết định chọn chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay là “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của đại dương đối với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu, nhân tố chính tác động đến sự hưng thịnh hay suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Nhân dịp này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS. TS Trần Hồng Thái Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (ảnh) để làm rõ các vấn đề này.

PV: Thưa ông, Ngày Khí tượng thế giới năm nay có chủ đề: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”. Xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề này?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất, là nhân tố chính của sự thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới, đóng một vai trò trung tâm trong biến đổi khí hậu. Đại dương cũng là nhân tố chính của nền kinh tế toàn cầu. Với chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) muốn nhấn mạnh việc kết nối đại dương, thời tiết và khí hậu trong hệ thống trái đất. Đồng thời cũng đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021 - 2030).

Thứ hai, đảm bảo an toàn trên biển và đất liền. Nước biển dâng có thể tác động tới nguồn cung cấp nước ngọt, gây gia tăng các tác động của bão, ngập lụt tới các vùng ven biển, gây ảnh hưởng đến các phương pháp dự báo. Những vấn đề này cần được quan tâm thỏa đáng trong thời gian tới nhằm tăng cường bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản trên biển cũng như quản lý vùng ven biển.Có 6 vấn đề chính được đề cập đến trong chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay. Thứ nhất, đại dương tác động thế nào đến khí hậu và thời tiết. Theo các báo cáo, hơn 90% nhiệt lượng bị giữ lại trên trái đất do phát thải khí nhà kính của con người được lưu trữ trong đại dương, chỉ có khoảng 2,3% nhiệt lượng có tác dụng làm ấm bầu khí quyển, trong khi phần còn lại làm trái đất ấm lên và gia tăng biến đổi khí hậu. Nguồn năng lượng khổng lồ mà đại dương hấp thụ được có thể tạo ra những cơn bão mạnh và có sức hủy diệt lớn cùng với các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy.

Thứ ba, quan trắc đại dương. Để hiểu rõ hơn về đại dương và những ảnh hưởng của nó đối với khí hậu và thời tiết, chúng ta cần sử dụng các công nghệ có khả năng giám sát đại dương một cách có hệ thống. Hiện tại, WMO đã và đang sử dụng Hệ thống Quan trắc Đại dương Toàn cầu (GOOS), là hệ thống bao gồm mạng lưới phao trôi, tàu và các quan trắc khác để theo dõi tình trạng hiện tại của đại dương và theo dõi cách đại dương ấm lên và thay đổi như thế nào. Mặc dù, khoa học công nghệ đã phát triển và có nhiều tiến bộ nhưng phần lớn đại dương vẫn chưa được kiểm tra và theo dõi sát sao.

Thứ tư, dự báo thay đổi khí hậu. Với việc nâng cao chất lượng giám sát đại dương, bầu khí quyển và các hiểu biết khoa học, các nhà khoa học ngày càng có thể xác định và dự báo những sự thay đổi của khí hậu và thời tiết. Các Trung tâm Khí hậu Khu vực của WMO và Diễn đàn Nhận định Khí hậu Khu vực sử dụng kiến thức này để đưa ra các dự báo khí hậu theo mùa.

Thứ năm, đại dương và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu đại dương cũng rất cần thiết, giúp con người hiểu rõ hơn về sự thay đổi khí hậu do con người gây ra. Đại dương tích trữ phần lớn nhiệt đang bị giữ lại bởi hiệu ứng nhà kính và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên trái đất. Đại dương cũng hấp thụ CO2 do các hoạt động của con người thải ra, làm tính axit trong nước biển ngày một tăng, gây tổn hại đến các rạn san hô và các sinh vật biển.

Thứ sáu, mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến khác. WMO cam kết đóng góp vào Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với nhiều hoạt động quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu vì một đại dương an toàn và minh bạch trong thông tin gửi đến các phương tiện truyền thông trong Thập kỷ tới.

PV: Trước tác động qua lại, ảnh hưởng mật thiết của khí hậu lên đại dương và ngược lại, để có được những dự báo chính xác nhằm ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, thời gian qua, Việt Nam đã và đang thực hiện những công việc gì? Có kết quả ra sao? Thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Nhiều nghiên cứu cũng như thực tế đã cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên đã làm thay đổi hoàn lưu khí quyển, đại dương dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan trên biển và đất liền. Tại Việt Nam, kỷ lục về gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường đã được xác lập trong năm 2020. Trên đất liền, sự thay đổi của hoàn lưu khí quyển, đại dương cũng đã dẫn tới những biến đổi bất thường của thời tiết với nhiều kỷ lục cực trị về nhiệt độ, lượng mưa và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác được ghi nhận trong những năm gần đây; trong đó, phải nhắc tới những đợt mưa lớn và kéo dài kèm theo lũ lớn, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và 11/2020.

“Mục tiêu của ngành KTTV đến năm 2030 sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng, thủy văn, hải văn theo hướng tăng dày mật độ các trạm tự động lên 70% so với số lượng hiện có; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và xâm nhập mặn”.

GS. TS Trần Hồng Thái,

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV.

Chính vì vậy, để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, trong thời gian qua, ngành KTTV đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ liên quan đến hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, năng lực tính toán, công nghệ dự báo, nguồn nhân lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể: Đối với hệ thống quan trắc, ngành KTTV đã triển khai nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực quan trắc và truyền tin KTTV. Đã xây dựng trạm ra đa thời tiết hiện đại mới tại Phù Liễn (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Pha Đin (Lai Châu). Toàn bộ hệ thống ra đa thời tiết trong vài năm tới sẽ hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung, có thể phủ sóng toàn bộ đất liền và các vùng biển ven bờ, khu vực biển Quần đảo Trường Sa và Phú Quốc, cho phép giám sát hoạt động của bão, cảnh báo sớm mưa lớn và phát hiện sớm dông sét.

Với công tác thông tin dữ liệu, chúng ta đã từng bước nâng cấp mạng thông tin khí tượng toàn cầu, đồng thời triển khai các kênh trao đổi quốc tế về thông tin KTTV. Những thông tin dự báo KTTV được cung cấp đến các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai ở Trung ương và địa phương một cách nhanh chóng bằng hệ thống truyền tin đa phương tiện, hoàn chỉnh. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ hoàn thiện trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin cho Trung tâm Dữ liệu Data Center (DC) tại Hà Nội và đầu tư xây dựng DC mới tại TP.HCM. Cùng với đó, sẽ xây dựng mạng dùng riêng cho lĩnh vực KTTV; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền dẫn thế hệ mới trong thu nhận, truyền phát thông tin KTTV...

Đối với hệ thống tính toán, từ năm 2018, Tổng cục KTTV đã đầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao CrayXC40 với năng lực tính toán đạt 80-100TFLOPS cho phép triển khai các mô hình dự báo khu vực khí tượng và hải văn với độ phân giải chi tiết hơn; một số loại số liệu quan trắc đã được đồng hóa, qua đó kết quả dự báo đã có độ tin cậy và chi tiết hơn.

Từng bước nâng cao công nghệ dự báo. Hiện, chúng tôi đã triển khai nghiên cứu ứng dụng nhiều mô hình số trị hiện đại trong dự báo khí tượng, thủy văn và hải văn (dự báo thời tiết, lũ và ngập lụt cho các lưu vực sông khác nhau; xâm nhập mặn; dòng chảy, thủy triều, sóng và nước dâng trong bão), khai thác các nguồn số liệu từ vệ tinh, từ các trung tâm dự báo uy tín trên thế giới như của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

111

Trạm ra đa Quy Nhơn. 

Đi cùng với công nghệ là tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Những năm qua, ngành KTTV đã chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quan trắc, dự báo và thông tin KTTV với nhiều khóa đào tạo dài và ngắn hạn ở trong nước cũng như tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Na Uy... Nhiều cán bộ, viên chức của ngành đã theo học các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài và trở lại làm việc sau khi hoàn thành khóa học.

PV: Thế kỷ 21 được cho là Thế kỷ của đại dương. Nhân Ngày Khí tượng thế giới 2021, Tổng cục trưởng có thông điệp gì muốn gửi đến các cấp, các ngành và người dân để cùng chung tay với ngành KTTV hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đại dương - nhân tố chính dẫn đến thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Đại dương là nơi điều hòa khí hậu và cung cấp môi trường sống cho hàng ngàn sinh vật biển và các dịch vụ liên quan đến biển. Ngày nay, phát triển bền vững đại dương là một trong những mục tiêu quan trọng đối với toàn thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng.

Bờ biển Việt Nam dài 3.260 km trải từ Bắc xuống Nam, là nơi duy trì và phát triển cho ngành nuôi trồng thủy, hải sản. Nếu chúng ta không nhanh chóng từ bỏ những thói quen xấu đã gây ra với môi trường, có lẽ đại dương trong tương lai sẽ “chết”. Sự biến mất từng phần hay toàn bộ đại dương sẽ kéo theo sự mất cân bằng sinh thái, khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người. Bởi vậy, mỗi người hãy cùng chung tay xây dựng một đại dương xanh không rác thải nhựa, tích cực trồng rừng và tái tạo môi trường sống xanh làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây