Bạc Liêu nỗ lực thích ứng trước thách thức biến đổi khí hậu

Thứ hai - 25/05/2020 21:23
 Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực trong công tác ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời tiết diễn biến không theo quy luật

Những năm gần đây, khi mà dự báo của các nhà khoa học đã trở thành sự thật, Bạc Liêu – một tỉnh ven biển, cũng như nhiều tỉnh, thành khác của Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu những tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu. Những tác động này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng điều có điểm chung là diễn biến bất thường.

1

Hiện tượng triều cường ở Bạc Liêu năm nay không như những năm trước. Ảnh minh họa

Theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, trung bình nhiều năm (TBNN) đầu tháng 5 đã có mưa. Nhưng năm nay, đến giữa tháng 5 trời vẫn nóng gay gắt. Mùa mưa năm 2019 ở khu vực Bạc Liêu kết thúc vào đầu tháng 11, sớm hơn TBNN khoảng 8 ngày. Lượng mưa tháng 11/2019 ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ 50%. Từ tháng 12/2019 - 3/2020, trên địa bàn tỉnh hầu như không có mưa trái mùa. Nắng nóng kéo dài dẫn đến độ mặn tăng cao, gây bất lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.

Trong mùa khô 2019 - 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 142.718ha, còn tính đến tháng 5, diện tích thủy sản đang nuôi là 107.390ha. Lũy kế diện tích tôm nuôi bị thiệt hại từ đầu năm 2020 đến nay do nhiều nguyên nhân (trong đó có nguyên nhân do nhiệt đột tăng cao) là 6.203ha.

Ở Bạc Liêu, hiện tượng triều cường cũng diễn biến không như những năm trước. Mọi năm, đến tháng 2 là hết triều cường, nhưng nay tháng 5 vẫn có, ở cả biển Đông và biển Tây. Nước mặn đã xâm nhập sớm vào tỉnh từ giữa tháng 1/2020, sớm hơn TBNN khoảng một tháng, do các đợt triều cường biển Đông và biển Tây từ tháng 12/2019 đến giữa tháng 5/2020 đều có đỉnh cao bất thường.

2

Hạn mặn gay gắt ở Bạc Liêu, mực nước trên nhiều kênh rạch xuống thấp. Ảnh minh họa

Xâm nhập mặn vào địa bàn Bạc Liêu xuất hiện gay gắt vào cuối tháng 2 năm nay, ranh mặn 4%o từ phía sông Cái Lớn đi vào khu vực Bắc Hồng Dân, sớm hơn TBNN 1 tháng. Trong khi đó, hiện tượng sét cũng không còn phân bố tập trung ở một số địa phương như trước đây là Phước Long và Vĩnh Lợi (2 vùng trọng điểm sét của tỉnh).

Phát hiện kịp thời điểm “nóng” cục bộ về hạn mặn

Do diễn biến thời tiết thất thường nên công tác dự báo cũng gặp khó khăn hơn. Trước đây, mỗi mùa ngành KTTV ra một bản tin dự báo thì năm nay, cứ 2 tháng bản tin dự báo phải được điều chỉnh, bổ sung.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời tiết thay đổi, nhiều kinh nghiệm dân gian về thiên nhiên đã không còn phù hợp, song ở một vài nơi trong tỉnh, người dân vẫn canh tác theo tập quán cũ.

Chẳng hạn như tại vùng Ninh Quới (huyện Hồng Dân), trong vụ lúa hè thu sớm, bà con xuống giống sớm hơn lịch của ngành Nông nghiệp khuyến cáo từ 7 - 10 ngày. Chi cục Thủy lợi phải đóng cống ngăn triều cường biển Tây cuối tháng 4/2020 để bảo vệ mùa màng, dẫn đến thiếu nước ngọt tạm thời.

Còn tại TX. Giá Rai, vụ lúa đông xuân, nông dân xuống giống quá trễ (cuối tháng 1/2020) đã gây thiệt hại hoàn toàn hơn 252ha (ước tính khoảng 2,5 tỷ đồng). Trước đó, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo khu vực gần hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt và khu vực giáp Quốc lộ 1A của TX. Giá Rai không nên sản xuất vụ lúa đông xuân.

Những con số, những ví dụ nói trên cũng chỉ phản ánh phần nào những tổn thất mà Bạc Liêu phải gánh chịu từ diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu. Đối mặt với những tác động nặng nề và các diễn biến bất thường ấy, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực trong công tác ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sự vào cuộc của cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần phát hiện kịp thời các điểm “nóng” cục bộ về hạn mặn, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, giúp chính quyền cơ sở xử lý các sự cố, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, người dân cũng nên thay đổi thói quen sinh hoạt, canh tác, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây