Giải pháp xây dựng, cập nhật CSDL nền địa lý quốc gia của một số nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực

Thứ năm - 03/09/2020 21:17

 

Hiện nay phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới và các nước trong khu vực đều đã xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia làm nền tảng cho hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) cho quốc gia và tiến tới xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian chung theo khu vực.

Tại Mỹ

Các chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được Mỹ quan tâm nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn, khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước và là nước đi đầu trên thế giới trong ngành công nghiệp không gian địa lý. Hầu hết các bản đồ địa hình của Mỹ được chuyển đổi sang dạng bản đồ số và xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý vào năm 2009.

CSDL nền địa lý quốc gia của Mỹ được xây dựng trên nền tảng công nghệ của ESRI, đưa vào khai thác, sử dụng trực tuyến với dịch vụ  của ArcGIS Server Web (bao gồm cả dịch vụ WMS OGC Web, file KML, file GeoGSS, file CSV) hoặc thêm dữ liệu từ các file dữ liệu dạng shape file bằng phần mềm ArcGIS Servers.

Tại một số nước châu Âu

Tại Vương quốc Anh: Hệ thống CSDL nền địa lý quốc gia của Vương quốc Anh đã được xây dựng và phát triển từ rất sớm và là một trong những quốc gia trên thế giới có ngành công nghiệp không gian địa lý tiên tiến và hiện đại.

Bên cạnh hệ thống phần mềm ArcGIS (của Công ty ESRI - Mỹ) đóng vai trò chủ đạo, Cục Đo đạc Vương quốc Anh cho phép mạng lưới các các công ty dịch vụ, người sử dụng cá nhân sử dụng nhiều công cụ phần mềm khác để sử dụng các sản phẩm bản đồ số (như OS Maps, Bing Maps, Google Maps, MapBox, Mango Mapper, OpenStreetMap, CartoDB...) trên đa dạng thiết bị, phương tiện và cập nhật các đối tượng địa lý biến động cùng với ArcGIS Online.

Để đảm bảo cập nhật dữ liệu địa lý từ tỷ lệ 1:1.250 tới các tỷ lệ nhỏ hơn phù hợp với các sản phẩm và dịch vụ của các đối tác và khách hàng, Cục Đo đạc Vương quốc Anh cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý theo chu kỳ hàng tuần.

Tại Hà Lan: Trước đây, Cơ quan Đo đạc Hà Lan (Dutch Kadaster) quản lý đồng thời bản đồ và CSDL ở các tỷ lệ 1: 10.000 (TOP10Vector), 1:50.000, 1:100.000 và 1:250.000. Các CSDL này được cập nhật riêng biệt theo các chu kỳ khác nhau và được sử dụng để thành lập các bản đồ địa hình cùng tỷ lệ. Top10NL với độ chính xác tương đương bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 được bắt đầu xây dựng năm 2000 và hoàn thành năm 2005, hiện được dùng để dẫn xuất thành lập CSDL nền địa lý và bản đồ địa hình tỷ lệ nhỏ hơn.

Hà Lan sử dụng nền tảng công nghệ ArcGIS (ESRI) để thành lập bản đồ địa hình tiêu chuẩn quốc gia và xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia. Việc triển khai áp dụng nền tảng ArcGIS đã tối ưu hóa, tiêu chuẩn hóa, tự động hóa quy trình thành lập bản đồ quốc gia, xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia giúp giảm đáng kể thời gian sản xuất.

Tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á

Tại Thái Lan: CSDL nền địa lý quốc gia của Thái Lan được tổ chức theo cấu trúc, theo chuẩn kỹ thuật, bộ dữ liệu địa lý cơ bản, mạng lưới ngân hàng dữ liệu. Thông qua cổng thông tin điện tử trên web, hạ tầng không gian địa lý quốc gia được chia sẻ dữ liệu và các bản đồ phục vụ cho Chính phủ, các tổ chức xã hội và người dân sử dụng. Trong đó, bộ dữ liệu địa lý cơ bản được xây dựng bao gồm 13 lớp thông tin sau: ảnh hàng không, ảnh vệ tinh, điểm khống chế trắc địa, mô hình số độ cao DEM, dữ liệu về biên giới và địa giới hành chính, dữ liệu giao thông, dữ liệu sử dụng đất, dữ liệu rừng - thực phủ, dữ liệu thủy văn, bản đồ địa hình (raster), dữ liệu về xây dựng và đô thị, ranh giới sử dụng đất. Bộ bản đồ quốc gia được thành lập ở các tỉ lệ: 1: 4.000; 1:10.000; 1:25.000; 1:50.000; 1:250.000. Từ năm 2005, hệ thống hạ tầng thông tin địa lý quốc gia – NGIS Thái Lan được công bố trên Cổng thông tin bản đồ NGIS bao gồm 320 lớp dữ liệu không gian địa lý quốc gia của 22 tổ chức.

Thái Lan cũng từng gặp khó khăn trong xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia và hạ tầng không gian địa lý quốc gia trong một số vấn đề như: sự chồng chéo trong chính sách quản lý của các bộ, ban, ngành; sự khác biệt của chuẩn dữ liệu; giới hạn chia sẻ dữ liệu; sự thiếu hụt của nguồn chuyên gia và nguồn lực con người; thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn ngân sách. Bản đồ số của Thái Lan cũng chuyển đổi từ định dạng DGN của MicroSattion (Bentley System) sang các định dạng của hệ thống phần mềm ArcGIS (ESRI) để quản lý, vận hành.

Tại Singapore: Việc xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia được khởi động từ năm 1980, tuy nhiên chính thức bắt đầu trong giai đoạn 2007-2009 song hành với việc phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) theo Chiến lược tổng thể không gian địa lý Singapore nhằm mục đích phổ biến thông tin và công nghệ địa lý cho phát triển nền kinh tế và phục vụ nhu cầu của xã hội. Cổng thông tin mạng OneMap (dịch vụ một bản đồ) được ra đời vào năm 2010 cung cấp dữ liệu chính xác, thời gian thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và công chúng với nhiều dịch vụ và chức năng.

Tháng 4 năm 2011, Singapore thành lập thêm hệ thống không gian địa lý quốc gia SG-GeoSpace - là hệ thống gồm khoảng 300 lớp dữ liệu về GIS của Chính phủ. Hệ thống này sử dụng các công cụ xử lý địa lý (Geo-processing) và nền tảng công nghệ ArcGIS của ESRI kết hợp với các hệ thống nguồn mở API trên nền REST, Java Script. SG-GeoSpace cung cấp các dịch vụ giúp nhất thể hóa về thông tin địa lý của Singapore và cũng được chia sẻ tại cổng thông tin OneMap nhằm mục đích chia sẻ dữ liệu, thông tin địa lý, các dịch vụ cho Chính phủ và các dịch vụ công cộng cho người dân.

Hiện nay, hệ thống CSDL nền địa lý quốc gia, hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của Singapore được quốc tế đánh giá là chính xác, kịp thời và có hiệu quả cao cho phát triển mọi lĩnh vực của quốc gia này.

Tại Indonesia: CSDL nền địa lý quốc gia và hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của Indonesia được bắt đầu từ năm 2000 và được cập nhật vào năm 2007. Đến nay, Indonesia đã thiết lập cổng thông tin bản đồ quốc gia, Mặc dù chỉ được thế giới đánh giá ở mức trung bình nhưng lại là một trong những hình mẫu được Chính phủ Nhật Bản nghiên cứu để khởi động các chương trình nền tảng, hỗ trợ phát triển. Indonesia đã thông qua Luật Không gian địa lý vào năm 2011.

Nhận xét chung: hiện nay phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới và các nước trong khu vực đều đã xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia làm nền tảng cho hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) cho quốc gia và tiến tới xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian chung theo khu vực.

Hệ thống CSDL nền địa lý quốc gia và hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của các nước hầu hết được xây dựng, quản lý, vận hành dựa trên nền tảng công nghệ ArcGIS của Công ty ESRI (Mỹ).

Một số nước mở rộng thêm các công cụ, tính năng để tiếp nhận các nguồn dữ liệu đầu vào từ các tổ chức, cá nhân người dùng các loại thiết bị, công nghệ khác nhau để nâng cao tính hiệu quả của công tác cập nhật các đối tượng địa lý biến động, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cả cộng đồng.

Kinh nghiệm của các nước và xu hướng phát triển chung của thế giới trong xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia và hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia giúp chúng ta định hướng về giải pháp đồng bộ, hiện đại và hiệu quả trong nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện CSDL nền địa lý quốc gia đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây