Mỗi cá nhân cần hành động gì để chống sa mạc hóa?

Thứ hai - 31/08/2020 04:59
Ngày thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán năm nay, nhấn mạnh mối liên hệ giữa tiêu dùng, đất đai với vấn đề Sa mạc hóa và Hạn hán. Trong đó tập trung vào nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguyên nhân chính gây ra sa mạc hóa và suy thoái đất. Sự kiện này đã được tổ chức trực tuyến với nhiều hoạt động và nội dung phong phú đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Năm nay, Bộ Lâm nghiệp Hàn quốc đóng vai trò quan sát viên sự kiện toàn cầu nay.

Khi dân số ngày càng gia tăng, cuộc sống giàu có hơn, đô thị hóa nhanh hơn, nhu cầu về đất đai để cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và các nhu cầu về nguyên liệu cho dệt may,… ngày càng lớn. Trong khi đó, chất lượng và năng suất của đất canh tác hiện tại đang suy giảm, có xu hướng ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và suy thoái đất.

Để có đủ đất sản xuất đáp ứng nhu cầu của khoảng 10 tỷ người vào năm 2050, thế giới cần thay đổi lối sống và tư duy tiêu dùng. Cộng đồng cần phải từng bước quan tâm tới việc  sử dụng lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng bền vững hơn, tiết kiệm hơn.

Theo ông Ibrahim Thiaw, thư ký điều hành Công ước Liên hiệp quốc về chống sa mạc hóa, trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: “Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất và tiêu dùng như hiện nay, đồng nghĩa với việc chúng ta đã khai thác quá khả năng đáp ứng của hành tinh trái đất. Do vậy, để cứu hành tinh trái đất, tất cả chúng ta cần đưa ra lựa chọn tốt hơn về những gì chúng ta ăn và mặc để giúp bảo vệ và khôi phục lại nguồn tài nguyên đất”.

Những con số được nêu ra sau đây cho bạn thấy điều gì? Hơn 2 tỷ ha đất sản xuất đã bị xuống cấp và thoái hóa. Hơn 70%  hệ sinh thái tự nhiên đã bị chuyển đổi, dự kiến vào năm 2050, con số này có thể đạt 90%. Dự kiến vào năm 2030, sản xuất lương thực sẽ cần thêm 300 triệu ha đất. Trong đó, chỉ riêng ngành công nghiệp thời trang, sẽ cần sử dụng thêm 35% tức hơn 115 triệu ha đất, tương đương với diện tích nước Colombia.

Sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng được xem là nguyên nhân góp phần vào sự thay đổi khí hậu, với khoảng ¼ lượng khí thải nhà kính đến từ các hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác. Sản xuất quần áo và giày dép gây ra 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu và được dự đoán sẽ tăng gần 50% vào năm 2030. Ngoài ra, khi nhu cầu về thực phẩm, quần áo, thức ăn,…  ngày càng tăng, kết quả là đất đai sẽ bị chuyển đổi, suy thoái với tốc độ không thể kiểm soát được, hệ sinh thái và đa dạng sinh học bị mất đi.

Những hành động chúng ta có thể làm ngay, để hưởng ứng Ngày thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán năm: Cắt giảm chất thải thực phẩm (rác thải, khí thải, nước thải,.. liên quan tới quá trình sản xuất và sử dụng thực phẩm), sử dụng các sản phẩm nội địa, địa phương và giảm nhu cầu mua đồ dùng cá nhân, tái sử dụng quần áo thay vì luôn mua mới… những hành động này của chúng ta có thể giúp giảm sử dụng đất, đồng thời giảm lượng khí thải cacbon do các hoạt động sản xuất này gây nên.

Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây