Giải pháp nào chống sụt lún ĐBSCL

Thứ hai - 07/06/2021 23:27
Tình trạng sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có nguyên nhân trực tiếp từ việc khai thác nước ngầm quá mức và biến đổi khí hậu (BĐKH). Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính Phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị định 167/2018- NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất,… được xem là những chủ trương kịp thời và dẫn dắt giải quyết vấn đề này.
 
1
Nước mặt suy thoái, nguồn nước ngầm cạn kiệt là một trong những nguyên nhân gây sạt lở tại ĐBSCL.

Nguyên nhân sụt lún

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên cho rằng: “Nguyên nhân sụt lún bề mặt đất vùng ĐBSCL gồm, về tự nhiên đó là tình trạng BĐKH và địa chất của vùng đất này. Quá trình cố kết, nén chặt, hoạt động tân kiến địa hình của ĐBSCL là vùng trầm tích trẻ. Về mặt xã hội, đó là quá trình khai thác nước dưới đất quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của hoạt động giao thông”.

Một kết quả nghiên cứu bước đầu do Bộ tài nguyên và Môi trường thực hiện đã ghi nhận xu thế nâng, hạ, sụt lún vùng ĐBSCL có biên độ nâng, hạ ở mức độ khác nhau, biên độ nâng hạ từ 2,4-11,4mm/năm với An giang, Kiên giang; biên độ hạ từ 7,4-11,8mm/năm trên diện tích còn lại của vùng ĐBSCL. Việc sụt lún do nguyên nhân tự nhiên có xu hướng giảm dần cho đến khi đồng bằng ổn định.
Về nguyên nhân xã hội, đến nay chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng khẳng định việc khai thác nước ngầm quá mức chính là một trong những nguyên nhân gây sụt lún là có cơ sở khoa học. Xét tổng thể, toàn vùng ĐBSCL những vùng không bị lún sụt có mật độ khai thác nhỏ và ngược lại. Ví dụ, đối với vùng bị lún nhiều trên 10 cm so với mặt nước biển, có mật độ khai thác lớn 111m3/ngày/km2; vùng lún từ 5- 10cm mật độ khai thác giảm hơn từ 58- 65m3/ngày/km2.

Tuy nhiên, Tân An, Thủ Thừa và Bến Lức - Long An và Tân Thước, mật độ khai thác tại đây là 1,21 nghìn m3/ngày/km2 lại thuộc vùng không bị lún hoặc chỉ lún dưới 5cm. Nhiều khu vực không hoặc ít khai thác nhưng vẫn bị lún, thậm chí còn bị lún sâu hơn, như Châu Thành - Hậu Giang, mật độ khai thác khoảng 59m3/ngày/ km2 nhưng đều thuộc vùng lún sâu trên 10 cm.
Như vậy, tình trạng sụt lún đất tại từng khu vực của ĐBSCL là hệ quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân tự nhiên và xã hội. Vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.


Lời giải từ pháp lý

Luật tài nguyên nước điều 45 quy định: “Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt”. Do đó, cá nhân được quyền khai thác nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên, việc khai thác đó phải đảm bảo các quy định pháp luật về tài nguyên nước: phải đăng ký khai thác, có giấy phép khai thác. Đối với các hộ gia đình sử dụng nguồn nước ngầm vào sinh hoạt, hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh không vượt quá 10m3/ ngày đêm và không thuộc vùng hạn chế khai thác nước, sẽ không cần giấy phép (Điều 16 Nghị định 201/NĐ-CP).

Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó quy định các địa phương tổ chức khoanh định, công bố danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác tại các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị ô nhiễm, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất… Nghị định quy định cụ thể chiều sâu mực nước khai thác cho từng vùng. Ví dụ, vùng nội thành thành phố Hà nội không quá 35m; Tp Hồ Chí Minh không quá 40 m; Tây nguyên không quá 50m ; ĐBSCL không quá 30m, riêng Cần Thơ không quá 35m.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 72/2017/TT-BTNMT về giám sát khai thác tài nguyên nước; lập các quy hoạch tài nguyên nước để quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển nguồn nước. Dự kiến đến năm 2024 Bộ sẽ hoàn thành 10 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông theo Nghị quyết 06/NQ-CP.
Đặc biệt, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã đặt ra những cách tiếp cận, giải quyết mới về nguồn nước cho ĐBSCL. Tư duy là phát triển thuận thiên, phù hợp, thích ứng với quy luật mới về nguồn nước và tự nhiên.

Trước mắt, đó là theo dõi sát diễn biến thời tiết; tăng cường nhận định, dự báo sớm về tình hình khí tượng thủy văn, dòng chảy, triều, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin kịp thời để các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống. Theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước của các hồ chứa thủy điện trên dòng chính sông Mê Kong từ phía Trung Quốc và các hồ chứa trên các dòng nhánh để có giải pháp xử lý kịp thời bổ sung nguồn nước đẩy mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước ngọt. Tìm kiếm, khai thác nguồn nước dưới đất để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất trong tưới tiêu và sinh hoạt.

Giải pháp dài hạn, cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo hạn theo tháng, mùa. Xây dựng hệ thống giám sát dự báo cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực và sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển. Chủ động ra soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với ĐBSCL nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây